Tranh chấp lao động có thể giải quyết tại Trung tâm trọng tài không?
Tranh chấp lao động có thể giải quyết tại Trung tâm trọng tài không?
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Vậy tranh chấp lao động có thể giải quyết tại Trung tâm trọng tài không? Công ty Luật HTC Việt Nam sẽ giải đáp thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trung tâm trọng tài
Tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài như sau:
“1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.”
Và theo Khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 có quy định về khái niệm của hoạt động thương mại như sau: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Có thể thấy, tranh chấp tại khoản 1 điều 2 Luật trọng tài thương mại được giải thích dựa trên nội dung tranh chấp và không tương thích với tranh chấp lao động, bởi phía người lao động không phải là thương nhân cũng như quan hệ giữa hai bên không phải là quan hệ kinh doanh thương mại nhằm mục đích sinh lợi. Tranh chấp tại khoản 3 cũng được loại trừ, bởi Bộ luật Lao động năm 2019 không đề cập đến việc giải quyết tranh chấp lao động bằng TTTM.
Với tranh chấp tại khoản 2, tinh thần của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là chủ yếu điều chỉnh phương thức tài phán dành riêng cho tranh chấp thương mại hoặc liên quan đến hoạt động thương mại. Theo đó, tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 dường như đang hướng đến tranh chấp giữa thương nhân và người tiêu dùng hơn là tranh chấp giữa NSDLĐ là thương nhân với NLĐ của họ.
Như vậy, hiện tại pháp luật vẫn chưa chính thức thừa nhận thẩm quyền của trung tâm trọng tài đối với tranh chấp lao động.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động
Các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động gồm: thương lượng, hòa giải cơ sở, giải quyết của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
Đối với giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, hòa giải viên lao động, Tòa án nhân dân là cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Hòa giải viên lao động; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền và hoà giải viên lao động;
Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp đối thoại với nhau một cách trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, đây chính là phương thức giải quyết được sử dụng rộng rãi nhất. Trong quá trình thương lượng, các bên sẽ bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan tới vụ tranh chấp, đưa ra những phương án nhằm giải quyết vụ tranh chấp đó. Quyết định được đưa ra dựa trên nền tảng của sự thỏa thuận giữa chính các bên mà không phải là kết quả của một áp lực nào từ bên ngoài.
Khác với thương lượng, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhưng bên thứ ba không đưa ra phán quyết mà chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các bên thương lượng.
Theo quy định của Bộ luật lao động, tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động:
- Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Ngược lại, hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để hai bên xem xét và nếu hai bên chấp nhận phương án hòa giải, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hòa giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Phạm Bảo Đức; Ngày viết: 13/09/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
________________________________________________________
Các bài viết liên quan
- Tranh chấp lao động là gì? Thủ tục giải quyết theo pháp luật
- Phân biệt phụ cấp và trợ cấp
- Làm việc bao lâu thì được tăng lương?