TƯ VẤN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ MASSAGE CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIÊT NAM
Hà Nội, ngày tháng năm
THƯ TƯ VẤN DỊCH VỤ PHÁP LÝ
Số: ........../TTV-HTC Việt Nam
V/v: Tư vấn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Kính gửi:
Công ty
Địa chỉ:
Số điện thoại liên lạc:
Kính thưa Quý khách hàng!
Lời đầu tiên, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam xin gửi đến Quý khách hàng lời chào trân trọng nhất. Cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp lý của chúng tôi.
I. YÊU CẦU CỦA QUÝ KHÁCH HÀNG.
Khách hàng mong muốn được tư vấn về vấn đề thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể là Hàn Quốc, tại Việt Nam.
Qua thông tin trao đổi với Quý khách hàng, chúng tôi hiểu rằng: Quý khách hàng mong muốn Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cung cấp dịch tư vấn về các vấn đề thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage, cũng như quy trình pháp lý và hồ sơ cần thiết của dịch vụ trên.
II. NỘI DUNG TƯ VẤN PHÁP LÝ CỦA HTC VIỆT NAM:
1. Cơ sở pháp lý:
- Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO;
- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại hàn Dân quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2004;
- Luật Đầu tư số 61/2020/QH14;
- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14;
- Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh;
- Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có quy định;
- Nghị định số 78/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;
- Thông tư 41/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành;
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
2. HTC Việt Nam xin tư vấn cho quý khách hàng vấn đề thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài:
Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, HTC Việt Nam đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
2.1. Về việc điều kiện kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài theo pháp luật:
Ngành nghề “Dịch vụ xoa bóp (massage)” không được quy định tại Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO, tuy nhiên không có quy định cấm, hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020.
Mặt khác, theo Biểu cam kết thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO thì dịch vụ y tế chuyên khoa (CPC 93122) gồm: Dịch vụ chẩn đoán và điều trị do các bác sĩ cung cấp để chữa bệnh cho một loại bệnh cụ thể, trong một cơ sở y tế (gồm cả các cơ sở chữa bệnh cho các bệnh nhân nội và ngoại trú)… các dịch vụ khác có liên quan với chăm sóc sức khỏe (ví dụ như phục hồi, chăm sóc sau khi rời bệnh viện…).
Căn cứ tại Điều 22 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉ hành nghề với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: “…Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:… Cơ sở dịch vụ xoa bóp (Massage)…”.
Như vậy, Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 100% vốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ xoa bóp, cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ có liên quan đến chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, mã ngành CPC: 9312.
2.2. Về điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ massage:
a. Phải có nhân viên kỹ thuật xoa bóp
Ngày 30/05/2019, Cục quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã có Công văn số 579/KCN-PHCN&GD về việc quản lý dịch vụ xoá bóp (massage) gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với nội dung: “Điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp không còn được quy định là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện và thủ tục công bố cở sở dịch vụ xoa bóp không còn được quy định thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Do đó, các Sở Y tế sẽ không tiếp nhận, giải quyết thủ tục công bố đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp” hoặc “Massage”.
Theo đó, các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự và quy định cơ sở xoa bóp phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế đã được bãi bỏ. Lúc này, cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage) chỉ còn phải đáp ứng các điều kiện như những ngành kinh doanh thông thường để đảm bảo yếu tố đặc thù có thể hoạt động.
Nhân viên kỹ thuật xoa bóp đáp ứng điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám, cữa bệnh từ cấp huyện, quận cấp.
- Trong quá trình làm việc phải khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng một lần
- Người mắc bệnh tâm thần, viêm gan B, da liễu, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm khác đang phải điều trị không được hành nghề.
b. Biển hiệu
Biển hiệu phải ghi đúng “xoa bóp” hoặc “Massage”, không được ghi cụm từ “Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng” hoặc tên khác.
c. Các phòng xoa bóp phải đảm bảo đủ các điều kiện sau
– Hệ thống công tắc đèn đặt bên ngoài phòng xoa bóp.
– Không có hệ thống khóa, chốt bên trong.
– Không được sử dụng bất cứ phương tiện thông tin nào để thông báo vào phòng.
d. Có đủ thuốc theo danh mục quy định, có dụng cụ y tế thông thường.
Theo tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có quy định : “Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người.” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Do vậy, để được hoạt động thì cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp (massage) cần phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự.
e. Ngoài ra, cũng theo Biểu cam kết WTO còn quy định mức vốn đầu tư tối thiểu đối với cơ sở điều trị chuyên khoa là 200 nghìn đô la Mỹ.
2.3. Về quy trình thành lập công ty:
Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Khách hàng muốn thành lập công ty tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 37 Luật đầu tư).
Theo đó thì nhà đầu tư nước ngoài nộp 01 Bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tới Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty dự định đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký đầu tư bao gồm:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và xem xét hồ sơ. Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư phải thông báo kết quả cho nhà đầu tư.
Bước 2: Đăng ký doanh nghiệp
Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tới Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty cổ phần);
- Bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc giấy tờ xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu và Công bố sử dụng mẫu dấu
Doanh nghiệp thực hiện khắc dấu tại các cơ sở khắc dấu. Doanh nghiệp tự quyết định loại dấu, hình thức và số lượng con dấu của mình.
Sau khi có con dấu, doanh nghiệp phải thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tịn đăng ký kinh doanh quốc gia.
Thời gian xử lý: khoảng 5-8 ngày làm việc
Ngoài ra, Khách hàng là nhà đầu tư Hàn Quốc nên cũng cân nhắc đến những quy định trong Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đại hàn Dân quốc về khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2004.
Trên đây là toàn bộ ý kiến pháp lý của HTC Việt Nam về nội dung dựa theo thông tin Quý khách hàng trao đổi. Để có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà Khách hàng đang có nhu cầu, HTC Việt Nam gửi đến quý khách hàng nội dung đề xuất dịch vụ dưới đây.
2.4. Tài liệu Quý khách hàng cần cung cấp:
- Thông tin về dự án đầu tư gồm: thông tin nhà đầu tư; tên dự án; địa chỉ trụ sở; mục tiêu hoạt động; vốn đầu tư gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay;
- Bản sao công chứng Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức gồm: Giấy phép đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hoặc quyết định thành lập;
- Bản sao công chứng của người đại diện theo ủy quyền thực hiện dự án;
- Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của doanh nghiệp;
- Thông báo cơ quan thuế quản lý của công ty, cá nhân;
- Bản cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Nhà đầu tư.
2.5. Báng báo giá chi phí
STT | Loại công việc | Chi phí |
1 | Tư vấn các quy định pháp luật và các vấn đề pháp lý có liên quan đến thành lập công ty kinh doanh dịch vụ massage có vốn đầu tư nước ngoài |
|
2 | Soạn thảo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp |
|
3 | Đại diện Quý khách hàng nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp |
|
4 | Đại diện Quý khách hàng giao dịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện trình tự thủ tục nói trên |
|
III. Bảo mật
Mọi thông tin, trao đổi liên lạc, các tài liệu và các thỏa thuận giữa các Bên sẽ được cam kết giữ bảo mật tuyệt đối và chỉ được trao đổi với Bên thứ Ba khác khi có sự chấp thuận của cả Hai Bên bằng văn bản.
Trên đây là nội dung đề xuất dịch vụ của HTC Việt Nam về những nội dung yêu cầu của Quý khách hàng. Kính mong Quý khách xem xét và chấp thuận. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung đề xuất dịch vụ này, Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được phúc đáp.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
CÔNG TY LUẬT TNHH HTC VIỆT NAM GIÁM ĐỐC
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng |