TƯ VẤN KINH DOANH DỊCH VỤ PHẪU THUẬT THẨM MỸ
Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp được nhiều người quan tâm. Các trung tâm thẩm mỹ viện mọc lên như nấm để nắm bắt cơ hội kinh doanh này. Tuy nhiên, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đụng đến dao kéo, thậm chí là tính mạng con người. Bởi vậy, Để khách hàng có thể yên tâm giao “nhan sắc” và “tính mạng” của mình cho các bác sĩ thì phòng khám phải được cấp Giấy phép hoạt động. Vậy, để kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cần đáp ứng những điều kiện gì?
1. Khái niệm thẩm mỹ viện
Thẩm mỹ viện là cụm từ ám chỉ một “địa chỉ” kinh doanh dịch vụ làm đẹp cơ thể con người (thẩm mỹ), tại thẩm mỹ viện có đầy đủ các trang thiết bị và các bác sĩ có trình độ chuyên tu lâu năm, với chuyên môn cao trong lĩnh vực thẩm mỹ như : Hút mỡ, căng da, nâng mũi, nâng ngực,…
Tuy nhiên, không phải thẩm mỹ viện nào cũng có thể hoạt động kinh doanh các dịch vụ trên, ở mỗi dịch vụ khác nhau thì phải có giấy phép kinh doanh khác nhau. Giấy phép kinh doanh này được đăng ký tại Sở y tế quốc gia Việt Nam.
2. Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đối với phòng khám phẫu thuật thẩm
Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, điều kiện về cơ sở vật chất
- Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;
- Xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa làm vệ sinh;
- Phòng khám chuyên khoa phải có buồng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10m2 và nơi đón tiếp người bệnh. Riêng đối với phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải có thêm buồng lưu người bệnh có diện tích ít nhất 12 m2;
- Có buồng thủ thuật với diện tích ít nhất là 10 m2 nếu có thực hiện thủ thuật;
- Bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với buồng thực hiện thủ thuật;
- Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.
Thứ hai, điều kiện về thiết bị y tế
- Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;
- Có hộp thuốc chống choáng và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
Thứ ba, điều kiện về nhân sự
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó;
- Người được phân công thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám chuyên khoa phẩu thuật thẩm mỹ phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
Ngoài ra, điều kiện về an ninh trật tự đối với trung tâm kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ gồm:
Căn cứ Điều 7, Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện an ninh trật tự đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bao gồm:
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải được được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Đối với người Việt Nam:
+ Đã bị khởi tố hình sự và các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
+ Có tiền án về các tội như tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác mà lỗi cố ý và đã bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên nhưng chưa được xóa án tích;
+ Người đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù;
+ Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ;
+ Người đang bị quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm cư trú , cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
+ Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương ;
+ Người đang có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và đang trong thời gian chờ thi hành quyết định;
+ Người đang trong thời gian bị nghiện ma túy;
+ Người đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định được đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:
Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
- Cơ sở kinh doanh phải đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
3. Trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ
Căn cứ Điều 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP Về đăng kí kinh doanh, hồ sơ đề nghị đăng kí doanh nghiệp đối với công ty TNHH một thành viên bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo quy định Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2014;
- Điều lệ công ty theo quy định của Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014;
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước/hộ chiếu còn hiệu lực theo quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng kí kinh doanh của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.
Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp 2014.
- Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định 78/NĐ-CP Về đăng kí kinh doanh của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp công ty TNHH do cá nhân làm chủ sở hữu ;
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp công ty do tổ chức làm chủ sở hữu (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước);
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế khác có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của công ty luật TNHH HTC Việt Nam, để biết thêm thông tin chi tiết và sử dụng dịch vụ của chúng tôi xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn