TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI CỦA PHÁP NHÂN GÂY RA
Pháp nhân là tổ chức được thành lập một cách hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Do pháp nhân là chủ thể đặc biệt, mọi hoạt động của nó đều phải được thực hiện thông qua tự nhiên nhân (có thể hiểu đơn giản là pháp nhân sử dụng người của pháp nhân đó để thực hiện mọi hoạt động). Vậy khi người của pháp nhân gây thiệt hại thì chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường? Hãy cùng Công ty Luật HTC Việt Nam làm rõ vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Căn cứ pháp lý
Đối với cá nhân, khoản 1 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.
Đối với pháp nhân, Điều 597 BLDS 2015 quy định:“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
2. Đánh giá hành vi gây thiệt hại
Về nguyên tắc, người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó. Tương tự trong trường hợp này cũng vậy, người của pháp nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét hai khả năng:
Thứ nhất, nếu người đó gây ra thiệt hại nhưng nguyên nhân sâu xa của việc gây ra thiệt hại không xuất phát từ pháp nhân, tức là việc họ gây ra thiệt hại không phải tại thời điểm đang thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền được pháp nhân giao cho thì chỉ cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bồi thường và không liên quan đến pháp nhân. Vậy trong trường hợp này sẽ áp dụng khoản 1 Điều 586 BLDS 2015, cá nhân phải tự bồi thường thiệt hại do cá nhân gây ra.
Thứ hai, để có thể xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về pháp nhân trong trường hợp này, người của pháp nhân gây thiệt hại cần đáp ứng đủ 3 căn cứ sau:
(1) Nơi công ty người đó làm việc phải có tư cách pháp nhân;
(2) Người gây ra thiệt hại là người của pháp nhân;
(3) Trong lúc người đó gây ra thiệt hại, họ đang thực hiện công việc được pháp nhân giao, trong phạm vi thẩm quyền.
Hơn nữa, chỉ được coi là “gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ” nếu thiệt hại xảy ra trong thời gian mà người của pháp nhân đó đang thực hiện công việc và tại địa điểm nơi công việc đang được tiến hành. Khi đó, trường hợp này sẽ áp dụng Điều 597 BLDS 2015 để giải quyết: chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra là pháp nhân. Sau đó pháp nhân có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật hoặc theo điều lệ của pháp nhân.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC về vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
D.H.Nguyen
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn