Quy trình xin cấp giấy phép kinh doanh: Hướng dẫn chi tiết
Quy trình xin cấp giấy phép kinh doanh: Hướng dẫn chi tiết
Bạn đang có ý định khởi nghiệp và muốn tìm hiểu cách làm giấy phép kinh doanh? Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết, đầy đủ về thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định hiện hành.
1. Giấy phép kinh doanh là gì?
Trong thủ tục thành lập và triển khai kinh doanh của doanh nghiệp, có 02 loại giấy tờ quan trọng mà doanh nghiệp cần đăng ký đó là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh.
Giấy phép kinh doanh mà bài viết đề cập không phải là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà là loại giấy phép con - hay còn gọi là Giấy phép kinh doanh ngành nghề có điều kiện.
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
Như vậy, có thể hiểu Giấy phép kinh doanh là loại giấy phép con dành cho doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, tùy vào ngành nghề sẽ có những điều kiện khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khác nhau, doanh nghiệp phải đăng ký giấy phép kinh doanh khi kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì mới đủ giấy tờ hợp pháp được tham gia kinh doanh ngành nghề đó.
2. Hồ sơ làm Giấy phép kinh doanh
Hồ sơ đăng ký làm Giấy phép kinh doanh bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản điều lệ công ty;
- Bản phương án kinh doanh dự kiến;
- Thông tin/Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đứng đầu doanh nghiệp/thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập;
-Giấy tờ chứng minh trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm đối với lĩnh vực hoạt động của những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp;
- Các giấy tờ pháp lý khác đối với từng ngành nghề cụ thể.
Đây chỉ là bộ hồ sơ làm Giấy phép kinh doanh chung cho nhiều ngành nghề, tùy từng ngành nghề sẽ có điều kiện, các loại giấy tờ riêng.
Căn cứ vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp mà giấy tờ cần chuẩn bị cũng có thể sẽ thay đổi, không giống nhau. Trong một số trường hợp, bộ hồ sơ xin cấp giấy phép con sẽ được yêu cầu bổ sung một hoặc một số loại giấy phép con khác.
3. Thủ tục làm giấy phép kinh doanh mới nhất hiện nay
Căn cứ vào ngành nghề mà thủ tục làm giấy phép kinh doanh cũng có sự khác nhau, tuy nhiên sẽ theo quy trình các bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu, điều kiện của ngành nghề sắp sửa kinh doanh
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Tùy theo mỗi ngành nghề mà điều kiện và cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ cũng khác nhau.
Ví dụ:
- Xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế:
+ Nộp hồ sơ trực tiếp đến Tổng cục Du lịch trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
+ Thời hạn giải quyết hồ sơ trong vòng 10 - 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Xin giấy phép phòng cháy chữa cháy:
+ Nộp hồ sơ tại Cục Cảnh sát PCCC thuộc Bộ Công an hoặc Phòng Cảnh sát PCCC;
+ Thời hạn giải quyết từ 5 - 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ.
- Xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm:
+ Nộp hồ sơ tại Bộ Công thương, Bộ Y tế hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tùy vào lĩnh vực kinh doanh);
+ Thời hạn giải quyết hồ sơ trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Nhận Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu hồ sơ đủ điều kiện
Sau khi nộp hồ sơ, nếu hồ sơ của doanh nghiệp hợp lệ và đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp Giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp để được phép kinh doanh.
4. Tra cứu điều kiện ngành nghề và cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm Giấy phép kinh doanh
Để biết được ngành nghề mình kinh doanh có thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện không và điều kiện của ngành nghề đó là gì, nộp cho cơ quan có thẩm quyền nào, bạn có thể sử dụng cách sau đây:
Bước 1:
- Truy cập vào trang web Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Link: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx
Bước 2:
- Tại giao diện trang chủ, bạn kéo xuống một chút và chọn vào mục “NGÀNH NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN”
- Giao diện sẽ hiện ra tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được chia theo từng lĩnh vực, bạn có thể tìm kiếm ngành nghề mình dự định kinh doanh ở thanh tìm kiếm hoặc tìm trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề mà mình kinh doanh
Bước 3:
- Khi chọn ngành nghề mình muốn kinh doanh, tại đây sẽ tổng hợp tất cả điều kiện để được phép kinh doanh ngành nghề đó
- Ở góc phải có căn cứ pháp lý cho các điều kiện trên, bạn có thể tra cứu văn bản pháp luật theo các căn cứ pháp lý này để biết được thành phần hồ sơ, điều kiện, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký làm Giấy phép kinh doanh.
Bạn thực hiện theo các điều kiện và nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để được xét duyệt, cấp Giấy phép kinh doanh, sau khi có Giấy phép kinh doanh, bạn có thể tiến hành kinh doanh ngành nghề mà bạn đã đăng ký.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Phạm Thị Thương; Ngày viết: 30/10/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
________________________________________________________
Các bài viết liên quan:
- Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
- Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài?
- Những đối tượng cần lưu ý để được ưu đãi đầu tư