Khi nào doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Khi nào doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố để tồn tại và phát triển mà nền tảng trước hết là sự tuân thủ của doanh nghiệp trước các quy định của pháp luật. Việc vi phạm các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là doanh nghiệp bị tạm ngừng, đình chỉ hoạt động hoặc buộc chấm dứt kinh doanh. Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp một số nội dung cơ bản như sau:
1. Thế nào là tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
- Theo khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, tạm ngừng kinh doanh là việc doanh nghiệp sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong một thời gian nhất định.
- Đình chỉ hoạt động là làm cho doanh nghiệp ngừng sản xuất, hoạt động kinh doanh trong một thời gian hoặc vĩnh viễn.
- Chấm dứt kinh doanh là chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.
2. Khi nào doanh nghiệp bị cơ quan nhà nước yêu cầu tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, Phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành , nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo đó, về ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ bao gồm điều kiện về vốn, điều kiện về chứng chỉ hành nghề, điều kiện về giấy phép con, điều kiện về đủ điều kiện hoạt động.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về nguồn tài nguyên thiên nhiên, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công, sở hữu bất động sản, các điều kiện khác theo quy định tại các văn bản pháp luật.
Trường hợp 2: Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo quy định pháp luật, trong một số trường hợp vi phạm pháp luật như xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vi phạm hành chính về hóa đơn của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thể đưa ra quyết định tạm ngừng kinh doanh. Doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng kinh doanh trong một thời gian nhằm ngăn chặn tiếp diễn hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.
Trường hợp 3: Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Đình chỉ hoạt động bao gồm đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Nếu đình chỉ hoạt động có thời hạn thì mang bản chất giống với tạm ngừng hoạt động, còn đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì mang bản chất gần giống với chấm dứt kinh doanh.
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động của pháp nhân thương mại là trong những hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội, ngoài ra Tòa án có thể tuyên hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định…
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi giúp bạn hiểu rõ hơn về các trường hợp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh. Mong rằng qua bài viết, Công ty của chúng tôi đã có thể giúp bạn giải đáp được phần nào băn khoăn, thắc mắc và giúp bạn có thể nắm được những nội dung cơ bản về vấn đề này.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Phan Thị Thanh An ; Ngày viết: 7/8/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
----------------------------
Các bài viết liên quan:
- Tư vấn thành lập doanh nghiệp
- Tư vấn lựa chọn loại hình doanh nghiệp