GIÁO VIÊN CÓ ĐƯỢC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP, GÓP VỐN KINH DOANH?
Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy trên lớp, nhiều giáo viên còn có nhu cầu kinh doanh riêng, làm việc ngoài giờ để gia tăng thu nhập. Vậy giáo viên có được thành lập doanh nghiệp, góp vốn kinh doanh không? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn để giải đáp thắc mắc trên trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
1. Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Luật Viên chức 2019.
II. Nội dung tư vấn
1. Giáo viên trường công không được thành lập doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2019, Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được xếp vào đội ngũ viên chức và phải thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức.
Trong đó, với quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức…”
Như vậy, giáo viên tại các trường công sẽ không được tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp.
2. Giáo viên được tham gia góp vốn kinh doanh
Tuy không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên, giáo viên các trường công lập vẫn có thể tham gia góp vốn kinh doanh. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp quy định:
“3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.”
Trong đó, theo Điều 14 Luật Viên chức, giáo viên có quyền hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Như vậy, chỉ cần không tham gia vào việc quản lý doanh nghiệp thì giáo viên trường công vẫn được góp vốn kinh doanh như bình thường.
* Vậy, giáo viên trường dân lập liệu có được thành lập doanh nghiệp không?
Các quy định trên chỉ áp dụng đối giáo viên là viên chức, làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập. Với các giáo viên làm việc tại các trường dân lập, tư thực, thì pháp luật không cấm thành lập doanh nghiệp, góp vốn kinh doanh..
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề giáo viên có được thành lập doanh nghiệp, góp vốn kinh doanh không? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Giàng Giang)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan:
- Tư vấn thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài