Vợ hai có được hưởng thừa kế không?
Vợ hai có được hưởng thừa kế không?
“Vợ hai có được hưởng thừa kế không?” là vấn đề thường gây tranh cãi, nhất là khi xảy ra xung đột về di sản giữa các thành viên trong gia đình. Thực tế, nhiều trường hợp vợ hai không nắm rõ quyền lợi của mình hoặc bị các bên khác phản đối quyền thừa kế, dẫn đến tranh chấp kéo dài hoặc ngược lại, khi các thành viên trong gia đình không hiểu rõ quy định pháp luật về quyền thừa kế, dẫn đến việc vợ hai lợi dụng tình trạng này để nhận tài sản không đúng quy định, gây bất bình và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp về sau. Theo pháp luật hiện hành, quyền hưởng thừa kế của vợ hai phụ thuộc vào tính hợp pháp của mối quan hệ hôn nhân, di chúc (nếu có) và thứ tự hàng thừa kế theo quy định. Bài viết sẽ làm rõ các quy định pháp luật liên quan về vấn đề này.
1. Quy định pháp lý về thừa kế
- Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật:
Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân, những người có quyền thừa kế di sản của người chết theo quy định của pháp luật. Việc xác định người thừa kế theo hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, được xác định theo thứ tự gồm:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Về quan hệ thừa kế giữa vợ - chồng, khi một trong hai mất thì người còn lại sẽ được hưởng di sản thừa kế. Về quan hệ thừa kế giữa cha đẻ, mẹ đẻ - con đẻ, con đẻ được thừa kế di sản của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại. Đối với con riêng và bố dượng, mẹ kế phải đáp ứng điều kiện có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế thế vị và thừa kế trong quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ.
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Lưu ý trong quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột - em ruột, anh, chị, em ruột có thể là cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người làm con nuôi người khác vẫn được hưởng thừa kế hàng thứ hai của anh, chị, em ruột mình.
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Chúng ta cũng cần lưu ý, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Những trường hợp áp dụng chia tài sản thừa kế theo pháp luật: Theo quy định tại khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì những trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật gồm:
+ Trường hợp một: Không có di chúc.
+ Trường hợp hai: Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Di chúc không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, rơi vào trường hợp vi phạm điều kiện chung của giao dịch dân sự theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp.
+ Trường hợp ba: Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
+ Trường hợp bốn: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản.
+ Trường hợp năm: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà từ chối nhận di sản.
+ Trường hợp sáu: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
- Nguyên tắc chia di sản theo pháp luật:
Việc phân chia di sản theo pháp luật được thực hiện theo quy định của pháp luật, như phân chia đều nhau, theo thứ tự hàng thừa kế, phân chia cho những những người nằm trong diện thừa kế.
Phương thức phân chia gồm có phân chia theo hiện vật và theo giá trị của hiện vật, nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Bởi vậy, tùy vào từng trường hợp mà pháp luật quy định về người thừa kế, điều kiện áp dụng, trường hợp áp dụng thực hiện phân chia di sản thừa kế.
2. Vợ hai có được hưởng thừa kế không?
- Trường hợp người chồng trước khi mất để lại di chúc: theo Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền sau đây:
+ Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế
+ Phân định phần di sản cho từng người thừa kế
+ Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng
+ Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
+ Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Như vậy, trong trường hợp này, người chồng toàn quyền quyết định việc để lại di sản cho bất cứ ai, không nhất thiết phải là những người trong hàng thừa kế theo luật định. Việc người vợ hai có được hưởng di sản thừa kế của chồng hay không sẽ pụ thuộc vào nội dung của di chúc này.
Tuy nhiên, để di chúc có hiệu lực và đưa vào áp dụng, đảm bảo quyền lợi của người hưởng thừa kế thì di chúc đó phải là di chúc hợp pháp. Tức là phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, ví dụ như: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật…
- Trường hợp người chồng không để lại di chúc
Nhiều trường hợp người mất đột ngột do tai nạn, đột tử hoặc vì lý do nào đó mà không để lại di chúc, thì sẽ phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Khi đó, việc người vợ hai có được hưởng di sản của chồng hay không còn phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của họ với người quá cố. Lúc này sẽ xảy ra 1 trong 2 trường hợp như sau:
+ Người vợ hai và chồng đã đăng ký kết hôn
Trong trường hợp này, người vợ hai đã được công nhận là vợ hợp pháp. Vì vậy, nếu người chồng mất và không để lại di chúc, người vợ hai sẽ được hưởng thừa kế hàng thứ nhất theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.
Như phân tích ở trên, hàng thừa kế thứ nhất này gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vì vậy, với tư cách là vợ của người để lại di sản, người vợ hai này sẽ được hưởng những phần thừa kế ngang bằng với những người còn lại ở hàng thừa kế thứ nhất như cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chồng.
+ Người vợ hai và chồng chưa đăng ký kết hôn
Nếu chỉ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, thì về mặt pháp luật, người vợ hai này sẽ không được công nhận có quan hệ hôn nhân với người chồng quá cố. Mặt khác, người chồng lại không để lại di chúc nên người vợ hai sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế từ chồng.
Trường hợp ngoại lệ, Pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam có công nhận quan hệ vợ chồng nếu nam nữ chung sống như vợ chồng từ trước năm 1987. Tức là trường hợp không có đăng ký kết hôn mà hai người chung sống với nhau từ trước 1987 đến nay thì được coi là quan hệ hôn nhân thực tế và được công nhận quan hệ vợ chồng. Đồng thời, người vợ này có quyền thừa kế với khối di sản mà chồng để lại (không có di chúc) giống như đã phân tích ở trường hợp thứ nhất.
3. Những lưu ý về vấn đề trên
- Xác định tính hợp pháp của hôn nhân: theo pháp luật Việt Nam, chỉ quan hệ hôn nhân hợp pháp mới được đăng ký theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 mới được công nhận quyền thừa kế. Chính vì vậy, các bên nên kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của người vợ hai với người chồng (nếu có). Trong trường hợp quan hệ hôn nhân không hợp pháp, vợ hai sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật.
- Kiểm tra di chúc (nếu có): các thành viên trong gia đình nên kiểm tra và đảm bảo di chúc phải đáp ứng các quy định về hình thức và nội dung theo Bộ luật Dân sự 2015 (ĐIều 627 - 641). Nếu vợ hai được chỉ định trong di chúc hợp lệ, quyền thừa kế của họ sẽ được bảo vệ. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo di chúc được công chứng hoặc chứng thức, đồng thời xác minh tính hợp pháp của di chúc để tranh tranh chấp.
- Phòng ngừa việc chiếm đoạt tài sản thừa kế: một số trường hợp vợ hai có thể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của gia đình hoặc sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, các thành viên còn lại của gia đình cần giữ đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản và yêu cầu sợ hỗ trợ từ cơ quan chức năng để xác minh tính hợp pháp của việc phân chia tài sản.
- Giải quyết tranh chấp thừa kế: Nếu xảy ra tranh chấp, các bên liên quan có quyền yêu cầu toà giải quyết dựa trên quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các bên cũng cần thu thập đầy đủ bằng chứng và nhờ sự hỗ trợ từ luật sư để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Phan Thảo Chi; Ngày viết: 04/01/2025)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
________________________________________________________
Các bài viết liên quan