PHÂN BIỆT HỢP ĐỒNG VÀ HÀNH VI PHÁP LÝ ĐƠN PHƯƠNG
Căn cứ vào cách thức thể hiện ý chí của các bên trong giao dịch dân sự ta có thể chia giao dịch dân sự thành hai loại: hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương. Vậy điểm khác nhau giữa hai loại này là gì? Hãy cùng Công ty Luật HTC Việt Nam tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Cơ sở pháp lý
Điều 116 BLDS 2015 quy định về giao dịch dân sự: “ Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Điều 385 BLDS 2015 quy định về hợp đồng: “ Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
2. Hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương
a. Hợp đồng
Hợp đồng dân sự là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của hai hay nhiều chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong thực tiễn đời sống, có thể nói hợp đồng dân sự là loại giao dịch dân sự phổ biến nhất. Hợp đồng thường có hai bên tham gia mà ở đó, mỗi bên được ví như những “ chú gấu” tham ăn, đói bụng đang cố dành cho mình những miếng ngon nhất của chiếc bánh mang tên “ hợp đồng”. Do đó, không thể tránh khỏi sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên tham gia. Vì vậy, tính bản chất tạo nên hợp đồng đó là sự thoả thuận. Hay nói cách khác, trong hợp đồng ý chí của một bên đòi hỏi sự đáp lại của bên kia tạo thành hợp đồng. Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận nhằm thống nhất ý chí chung của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Trong mọi giai đoạn của quan hệ hợp đồng ( từ thời điểm giao kết đến thực hiện, chấm dứt,…) đều tuân theo nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc thoả thuận.
Ví dụ: hợp đồng hợp tác, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng dịch vụ, v.v…
b. Hành vi pháp lý đơn phương
Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch trong đó thể hiện ý chí của một bên nhằm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hành vi pháp lý đơn phương có điểm khác biệt cơ bản nhất với hợp đồng đó là cách thức thể hiện ý chí của chủ thể. Nếu như trong hợp đồng dân sự đề cao sự thoả thuận, coi thoả thuận là một nguyên tắc cơ bản nhất thì hành vi pháp lý đơn phương lại chỉ thể hiện ý chí của một bên chủ thể trong giao dịch dân sự.
Thông thường, hành vi pháp lý đơn phương được xác lập theo ý chí của một bên chủ thể duy nhất, chủ thể này xác lập giao dịch dân sự nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cho bên còn lại tham gia giao dịch. Thực tế, do tính chất của loại giao dịch dân sự này đơn thuần là ý chí của một bên chủ thể vì vậy hành vi pháp lý đơn phương chỉ phát sinh hậu quả pháp lý khi có những người khác đáp ứng được những điều kiện nhất định do chủ thể xác lập giao dịch này đưa ra. Bên tham gia này phải đáp ứng được các điều kiện đó mới làm phát sinh nghĩa vụ của người xác lập giao dịch. Ví dụ như hứa thưởng, thi có giải, v.v… Còn một số trường hợp hầu như không phải đáp ứng điều kiện gì để tham gia giao dịch dân sự có dạng hành vi pháp lý đơn phương như: lập di chúc, từ chối hưởng thừa kế, v.v…
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC về vấn đề phân biệt hợp đồng dân sự và hành vi pháp lý đơn phương. Công ty Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(D.H.Nguyen)
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn