Giải pháp dành cho người cho vay khi không thể thu hồi nợ
Giải pháp dành cho người cho vay khi không thể thu hồi nợ
Khoản nợ có thể phát sinh từ các giao dịch dân sự hay hợp đồng thương mại từ nhiều lý do khác nhau. Đơn cử: một trong các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; các bên không thống nhất trong nghiệm thu kết quả thực hiện công việc; một bên có khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán; có hành vi gian dối, thiếu thiện chí, trung thực hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thực tế có nhiều phương thức thu hồi nợ, tuy nhiên sử dụng phương thức không hợp pháp có thể gây “phản tác dụng”, thậm chí hậu quả xấu đối với người có khoản nợ cần đòi. Vậy giải pháp dành cho người cho vay khi không thể thu hồi nợ là gì? Công ty Luật HTC Việt Nam sẽ giải đáp thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây.
1. Các phương thức thu hồi nợ trái luật
a. Đe dọa con nợ bất hợp pháp
Đa phần người vay nợ đều mang cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an khi đến hạn trả nợ mà vẫn không có khả năng trả nợ, chưa thể trả nợ. Chỉ sợ chủ nợ đòi tiền, siết tài sản, kiện tụng, lo lắng mất uy tín, danh dự, sợ dư luận xã hội…. Việc chủ nợ dọa khởi kiện, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm hợp đồng… có thể thúc đẩy người vay nợ trả nợ. Tuy nhiên, sử dụng một trong những hành vi sau đây bởi chủ nợ có thể bị xác định là vi phạm pháp luật:
– Đe dọa giết người;
– Đe dọa thực hiện các hành vi xâm hại sức khỏe, thân thể;
– Đe dọa xâm phạm bí mật đời tư: hình ảnh, clip có nội dung nhạy cảm;
– Đe dọa tống tiền, cưỡng đoạt tài sản…
b. Đòi nợ trên Facebook hoặc nền tảng xã hội khác nhưng không đủ chứng cứ
Đòi nợ trên mạng xã hội đang là xu hướng “hot” hiện nay. Nhiều người đã tố khách hàng lên Facebook để đòi như một phương thức thu hồi nợ phổ biến và may mắn đã thành công.
Đòi nợ bằng Facebook như thế nào? Chủ nợ chỉ cần viết một status đòi nợ hay, kèm theo hình ảnh con nợ, giấy vay tiền… tag con nợ, bạn bè, người thân của họ vào.
Dĩ nhiên, không ai cấm chủ nợ sử dụng cách đòi nợ trên Facebook, nhưng phải đúng luật. Chủ nợ phải có đủ chứng cứ về việc nợ tiền của con nợ. Nếu chỉ là thông tin bịa đặt không có căn cứ, chủ nợ có thể bị xử lý về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác.
c. Bắt, giam, giữ, nhốt, đánh đập, siết tài sản của con nợ
Đây là phương thức thu hồi nợ trái pháp luật. Thậm chí, hành vi như thế này có thể đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm:
– Tội giam giữ người trái pháp luật;
– Tội cưỡng đoạt tài sản;
– Tội làm nhục người khác;
– Tội cố ý gây thương tích;
– Tội cướp tài sản…
Người vay nợ không trả là sai, nhưng nhiều khi đó chỉ là tranh chấp dân sự. Chủ nợ trong mọi trường hợp không có quyền bắt, giam giữ, đánh đập, làm nhục, cưỡng đoạt tài sản để đòi nợ. Nếu thực hiện, chủ nợ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng. Khi đó, chủ nợ trở thành người phạm tội, con nợ thành người bị hại là vậy.
d. “Nhờ” tổ chức đòi nợ thuê
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật Đầu tư. Tuy nhiên thực tế đây vẫn là đơn vị được “tin dùng” một cách phổ biến do hiệu quả, nhanh chóng.
Những tổ chức này hoạt động đòi nợ thuê rất chuyên nghiệp, có sự phân công chức năng, nhiệm vụ và phương án thực hiện rõ ràng. Một số phương thức đòi nợ phổ biến gồm liên tục gọi điện thoại gây sức ép; đe dọa người thân; đe dọa trực tiếp đến cơ quan, nhà của người vay nợ; thậm chí cắt ghép hình ảnh và đe dọa bằng những thông tin nhạy cảm, không đúng sự thật…
Mặc dù nhanh chóng trong việc thu hồi khoản nợ, những hành vi nêu trên có thể vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và gây tác dụng ngược đến chủ nợ với tư cách “người thuê đòi nợ”.
2. Các phương thức thu hồi nợ đúng luật
Phương án 1, bạn nên tìm gặp, nói chuyện để yêu cầu họ trả nợ đúng hạn hoặc "cơ cấu nợ", thậm chí cho vay thêm nhưng yêu cầu có tài sản thế chấp. Ví dụ, A cho B vay tín chấp một tỷ đồng nhưng B thua lỗ, không thể trả, chỉ còn một căn nhà giá 2 tỷ đồng. A khi đó có thể cho vay thêm một tỷ đồng nếu B đồng ý thế chấp căn nhà này.
Phương án này có ưu điểm "cùng thắng", phía cho vay không sợ mất tiền còn người vay có thêm vốn để kinh doanh. Nhược điểm, nó yêu cầu người vay phải có "tài sản sạch" bởi không hiếm trường hợp một căn nhà "liên quan nhiều bên", gây phức tạp khi thu hồi. Do đó, cần thẩm định tài sản trước khi ký hợp đồng thế chấp.
Phương án 2, nếu người vay có dấu hiệu trốn tránh, chủ nợ cần chuẩn bị hồ sơ tố cáo họ ra cơ quan điều tra về các hành vi như lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ưu điểm của việc này ở chỗ đa số con nợ đều "sợ làm việc với cảnh sát", họ có thể thu xếp trả tiền ngay khi nhận giấy triệu tập. Trường hợp con nợ thực sự chiếm đoạt tài sản, họ sẽ chịu mức án tù rất nặng so với các tội danh khác nên dù đòi được tiền hay không, người cho vay ít nhất có thể "giải tỏa tâm lý".
Phương án 3, việc kiện ra tòa trong vụ án dân sự là phương án tiếp theo nên được áp dụng nếu người vay không có dấu hiệu phạm tội. Tòa án chắc chắn sẽ ban hành quyết định hoặc bản án buộc người vay trả cả tiền gốc và lãi.
Nhược điểm của kiện tụng là "rất mất thời gian". Nếu tòa án không thể "hòa giải thành", buộc người vay nhận trả nợ ngay từ đầu, các phiên sơ – phúc thẩm có thể kéo dài cả năm trời.
Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa, cơ quan thi hành án dân sự hoặc thừa phát lại cũng "mất thêm ít nhất cả năm" để tìm tài sản của bên vay, bán đấu giá... Chưa kể, người vay tiền nếu đã không thể trả thường "không còn tài sản gì đáng giá nên không thể thi hành án".
Phương án 4, khi những cách trên không khả thi, các bên trong giao dịch vay nên ngồi lại với nhau để "khoanh nợ". Bên cho vay có thể chốt số tiền cần được thanh toán và "chốt lại", không lấy lãi nữa đồng thời cho người vay thêm thời gian để thu xếp.
Cách làm này "giữ được tình cảm" nếu hai bên quen biết nhau và giúp người vay ổn định tâm lý, tập trung làm ăn trả nợ. Thực tế, nhiều trường hợp người vay tiền do bị "thúc ép quá đáng" đã trốn tránh, bỏ cả công việc của mình dẫn tới mất hoàn toàn khả năng trả nợ. Việc này gây thiệt hại cho cả đôi bên.
Cam kết chất lượng dịch vụ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, cụ thể như sau:
- Đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức và ứng xử của luật sư Việt Nam.
- Đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, nỗ lực hết mình để mang đến cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất.
- Bảo mật thông tin mà khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến khách hàng.
Rất mong được hợp tác lâu dài cùng sự phát triển của Quý Khách hàng.
Trân trọng!
(Người viết: Phạm Bảo Đức; Ngày viết: 16/10/2024)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729
Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
________________________________________________________
Các bài viết liên quan
- Dịch vụ tư vấn khởi kiện thu hồi nợ
- Thu hồi nợ bằng xã hội đen. Nên hay không?
- Các hình thức thu hồi nợ khó đòi
- Dịch vụ tư vấn khởi kiện thu hồi nợ