TƯ VẤN VỀ TIỀN KÝ QUỸ - TIỀN ĐẶT CỌC CHỐNG TRỐN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Hiện nay, với mục đích cải thiện thu nhập, người lao động trong nước có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ngày càng cao. Song song với đó, tình trạng người lao động làm việc ở nước ngoài bỏ việc, trốn ra ngoài làm việc hay tự ý phá vỡ hợp đồng xảy ra tương đối nhiều, gây thiệt hại không hề nhỏ cho chủ sử dụng lao động cũng như gây thiệt hại và ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Để hạn chế tình trạng này thì tiền ký quỹ hay còn gọi là tiền đặt cọc chống trốn như một giải pháp đợc các doanh nghiệp đưa người lao động ra ngoài làm việc áp dụng.
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Tuy nhiên, nhiều người lao động không hiểu rõ bản chất thật sự của tiền ký quỹ - tiền đặt cọc chống trốn nên dễ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc không năm rõ quy định pháp luật để lừa gạt, chiếm đoạt khoản tiền này.
Theo Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2006 có quy định về tiền ký quỹ của người lao động như sau:
“1. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc ký quỹ theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này để bảo đảm việc thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng được doanh nghiệp mở tại ngân hàng thương mại để giữ tiền ký quỹ của người lao động.
3. Tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc và lãi cho người lao động khi thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cụ thể thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; quy định thống nhất trong phạm vi cả nước mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thoả thuận với người lao động về việc nộp tiền ký quỹ; chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động”.
Thực chất, tiền kỹ quỹ - tiền đặt cọc chống trốn là khoản tiền mà người lao động sẽ phải đóng cho công ty xuất khẩu lao động nhằm đảm bảo thực hiện, tuân thủ đúng các thỏa thuận, điều khoản trong hợp đồng, tránh tình trạng người lao động phá bỏ hợp đồng và ra ngoài làm thêm bất hợp pháp.
Để xác định rằng người lao động có được nhận lại số tiền này hay không thì phải căn cứ dựa trên những trường hợp sau đây:
(1) Trường hợp 1: Người lao động tuân thủ đúng mọi thỏa thuận, điều khoản trong hợp đồng thì sau khi thanh lý hợp đồng, người lao động sẽ được nhận lại số tiền kỹ quỹ đã nộp, kèm theo lãi suất.
(2) Trường hợp 2: Người lao động vi phạm thỏa thuận, các điều khoản trong hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ được quyền sử dụng khoản tiền đó nhằm bù lại phần thiệt hại do hành vi vi phạm của người lao động gây ra. Nếu thiếu thì người lao động sẽ phải bổ sung, còn nếu thừa thì doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả lại cho người lao động khoản tiền thừa đó.
Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về giá trị khoản tiền ký quỹ là bao nhiêu mà thực tế sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào từng loại công việc, từng đơn hàng hay quy định của từng công ty xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, tại Phụ lục số 01 của Thông tư số 21/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quy định về mức trần đối với khoản tiền ký quỹ mà người lao động có thể phải nộp, tùy theo từng quốc gia và loại ngành nghề mà người lao động sẽ đến và làm việc. Ví dụ, ở thị trường lao động Đài Loan thì mức trần tiền ký quỹ năm từ khoảng 800 USD đến 1000 USD.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“a) Tiền ký quỹ của người lao động phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chỉ được thực hiện sau khi người lao động ký hợp đồng này với doanh nghiệp và được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa;
b) Thời hạn ký quỹ của người lao động tương ứng với thời hạn hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động;
c) Người lao động trực tiếp hoặc thông qua doanh nghiệp dịch vụ nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tiền ký quỹ được doanh nghiệp mở tại ngân hàng. Trường hợp người lao động nộp tiền ký quỹ thông qua doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động và chậm nhất là 15 ngày kể từ khi nhận tiền ký quỹ của người lao động, doanh nghiệp phải nộp toàn bộ số thu tiền ký quỹ vào tài khoản mở tại ngân hàng;
d) Ngân hàng hạch toán tiền ký quỹ của người lao động vào tài khoản “Tiền ký quỹ bằng đồng Việt Nam” theo tài khoản cấp III “Bảo đảm các thanh toán khác” và hạch toán chi tiết theo từng khách hàng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm hạch toán, theo dõi và quản lý tiền ký quỹ của từng người lao động”.
Như vậy, nội dung thỏa thuận về tiền ký quỹ phải được thể hiện trong hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm về khoản tiền kỹ quỹ sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 33 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“3. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không hoàn trả các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp dịch vụ do không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Thu, quản lý, sử dụng tiền ký quỹ của người lao động không đúng quy định;
c) Không nộp bổ sung đủ, đúng hạn số tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ theo quy định.”
Ngoại lệ đối với thị trường Nhật Bản
Riêng với trường hợp người lao động sang Nhật Bản làm việc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng với Bộ Lao động – Y tế – Phúc lợi Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) hay còn gọi là xuất khẩu lao động chất lượng cao.
Theo đó, từ ngày 01/11/2017, doanh nghiệp khi đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc sẽ không được phép thu giữ tiền ký quỹ hay tiền đặt cọc của thực tập sinh. Đồng thời, phải công khai các khoản thu phí để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam. Ngoài ra, một số giấy tờ thủ tục hành chính của Nhật Bản đối với người lao động sẽ được giảm bớt nhằm khắc phục những khó khăn vật chất cho những người lao động.
Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin về doanh nghiệp xuất khẩu lao động, các quy định pháp luật liên quan và cần có sự tư vấn trước khi ký cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ, thời hạn ghi trong hợp đồng lao động để tránh thiệt hại xảy ra.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
(L.T.N.Ánh)
11.10.2018