TƯ VẤN VỀ HỢP ĐỒNG CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG
Cho thuê lại lao động về bản chất là quan hệ 03 bên với sự tham gia của ba bên: bên cho thuê lao động (doanh nghiệp cho thuê lao động), người lao động được cho thuê lại và bên thuê lại lao động (doanh nghiệp thuê lại lao động).
Nên thực chất trong việc cho thuê lại lao động sẽ gồm ba mối quan hệ:
Thứ nhất: Quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lao động và người lao động được cho thuê lại:
Quan hệ này thực chất là quan hệ lao động được thiết lập trên cơ sở của hợp đồng lao động . Doanh nghiệp cho thuê lao động tuyển dụng và ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Vì vậy, trong quan hệ này doanh nghiệp cho thuê lại lao động chính là người sử dụng lao động và lao động được cho thuê lại là người lao động. Người lao động tuy không làm việc tại doanh nghiệp cho thuê lao động, nhưng doanh nghiệp cho thuê lao động vẫn có trách nhiệm trả lương và đảm bảo các quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Thứ hai: Quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động.
Quan hệ giữa hai doanh nghiệp này là quan hệ mang tính dịch vụ được hình thành trên cơ sở hợp đồng cho thuê lại lao động . Theo đó, thì doanh nghiệp cho thuê lao động có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp thuê lại lao động lượng lao động mà doanh nghiệp này cần theo điều kiện, tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đó đặt ra, đồng thời doanh nghiệp thuê lại lao động có trách nhiệm trả cho doanh nghiệp cho thuê lao động một khoản tiền. Khi hết thời hạn thuê lao động theo hợp đồng, doanh nghiệp thuê lại lao động sẽ hoàn trả lại số lao động đã thuê cho doanh nghiệp cho thuê lao động.
Thứ ba: Quan hệ giữa người lao động được cho thuê lại và doanh nghiệp thuê lại lao động.
Trong mối quan hệ này, thì doanh nghiệp thuê lại lao động tuy không phải là người sử dụng lao động nhưng lại có quyền điều hành, giám sát, quản lý đối với người lao động cho thuê lại trong quá trình người lao động này thực hiện các nghĩa vụ lao động tại doanh nghiệp mình. Cơ sở của mối quan hệ này là quan hệ dân sự thực hiện đúng nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người lao động vi phạm các nghĩa vụ lao động hay có hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì doanh nghiệp thuê lại lao động không tiến hành xử lý mà trả lại người lao động cho doanh nghiệp cho thuê lao động (nếu trường hợp họ không muốn sử dụng nữa).
Hợp đồng cho thuê lại lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê lại lao động về việc cho thuê lại lao động, theo đó bên cho thuê lao động cung ứng lao động còn bên thuê lao động phải trả tiền dịch vụ cho bên cho thuê lao động. Theo quy định Điều 55 Bộ luật lao động 2012 về hợp đồng cho thuê lại lao động:
“1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản, lập thành 02 bản, mỗi bên giữ một bản.
2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a, Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
b, Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động;
c, Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
d, Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động”.
Hợp đồng cho thuê lại lao động có các yếu tố cấu thành là: doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại lao động (điều kiện đầu tiên để thiết lập hợp đồng cho thuê lao động); phí dịch vụ (khoản tiền mà bên thuê lại lao động phải trả cho bên cho thuê lao động); có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa doanh nghiệp cho thuê lao động và doanh nghiệp thuê lại lao động (biểu hiện của quan hệ song phương, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại).
Về bản chất, đây là hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại (hợp đồng kinh tế/ hợp đồng thương mại). Vì vậy, những điều kiện đặt ra đối với hai bên chủ thể chính là các điều kiện của chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại đã được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại…
Doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản với các nội dung chủ yếu: Nơi làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại; thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại đã ký với người lao động.
Hợp đồng cho thuê lại lao động phải làm thành hai bản như nhau, mỗi bên giữ một bản.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về điều kiện cấp phép cho thuê lại lao động, chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn