TRƯỜNG HỢP NGỪNG VIỆC NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?
Quan hệ lao động là một trong những quan hệ không thể thiếu, nó chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong cuộc sống. Không giống như những quan hệ hay các giao dịch khác, quan hệ lao động gắn bó gần như suốt cuộc đời mỗi con người, đó là cơ sở để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển của mỗi người. Trong quan hệ lao động có rất nhiều quan hệ phức tạp đan xen lẫn nhau về công việc, tiền lương, thời gian làm việc, và các quyền và lợi ích khác giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, mâu thuẫn và tranh chấp sẽ không thể tránh khỏi. Một trong những câu hỏi thường được đặt ra là ngừng làm việc người lao động được trả lương như thế nào? Chính vì băn khoăn này Công ty luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau đây.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Lao động 2012;
- Bộ luật Lao động 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
II. Nội dung tư vấn
1. Khái niệm Hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 (BLLĐ), hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động phải ngừng việc
Theo Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, Luật đã ghi nhận 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc gồm:
- Do lỗi của người sử dụng lao động;
- Do lỗi của người lao động;
- Do sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế.
Các trường hợp này vẫn được tiếp tục kế thừa từ quy định cũ tại BLLĐ năm 2012. Tùy thuộc vào từng trường hợp ngừng việc mà việc tính lương cho người lao động sẽ là khác nhau.
Do đó, người lao động cần xác định rõ nguyên nhân để từ đó có căn cứ để xác định tiền lương ngừng việc mà mình được hưởng.
Như đã đề cập, có 03 trường hợp người lao động phải ngừng việc, với mỗi trường hợp sẽ có cách tính tiền lương khác nhau. Cụ thể:
Ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động:
Khoản 1 Điều 99 BLLĐ năm 2019 chỉ rõ: nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
Cùng với đó, khoản 5 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương (thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động).
Theo đó, nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động phải nghỉ làm nhưng vẫn sẽ được tính thời gian làm việc hưởng lương. Trong thời gian ngừng việc, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động tương ứng với số ngày ngừng việc.
Ngừng việc do lỗi của người lao động:
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Lao động năm 2012, khoản 2 Điều 99 Luật Lao động năm 2019, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Từ quy định trên, người lao động phải ngừng việc do lỗi của mình thì sẽ không được trả lương.
Trong khi đó, những người lao động khác trong cùng đơn vị với người lao động đó phải ngừng việc thì được trả lương theo thỏa thuận của các bên.Tuy nhiên, mức lương được trả không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 vẫn tiếp tục áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP:
Mức lương tối thiểu vùng | Áp dụng với doanh nghiệp thuộc |
4.420.000 đồng/tháng | Vùng I |
3.920.000 đồng/tháng | Vùng II |
3.430.000 đồng/tháng | Vùng III |
3.070.000 đồng/tháng | Vùng IV |
Ngừng việc vì sự cố điện, nước; thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, di dời địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước vì lý do kinh tế:
So với quy định trước đây, tiền lương ngừng việc trong trường hợp này đã có sự điều chỉnh. Nếu như theo khoản 3 Điều 98 Luật Lao động năm 2012, tiền lương do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Với quy định mới tại khoản 3 Điều 99 Luật Lao động năm 2019, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên vẫn được thỏa thuận về tiền lương ngừng việc.
Tuy nhiên, giới hạn mức lương theo thỏa thuận đã có sự thay đổi. Cụ thể:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo đó, người lao động chỉ được đảm bảo tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu trong 14 ngày đầu ngừng việc hoặc ngừng việc dưới 14 ngày. Nếu phải ngừng việc trên 14 ngày thì không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động ít nhất bằng lương tối thiểu vùng.
Như vậy, tiền lương ngừng việc của người lao động trong trường hợp này có thể giảm đáng kể so với trước đây. Quy định này có ý nghĩa quan trọng nhằm chia sẻ một phần khó khăn với người sử dụng lao động khi phải tạm dừng kinh doanh bởi các nguyên nhân khách quan.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về tư vấn lao động khi người lao động ngừng làm việc thì được trả lương như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đức Cường)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
Bài viết liên quan:
Thời hạn giải quyết tranh chấp lao động
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Tư vấn đề tranh chấp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và làm thêm giờ
Giải quyết tranh chấp về chi phí trong hợp đồng đưa người lao động đi nước ngoài làm việc