TRANH CHẤP LAO ĐỘNG CÁ NHÂN VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT
TÌNH HUỐNG:
Rất mong được luật sư tư vấn, vấn đề của tôi như sau: Em gái tôi là Nguyễn Thị Hạnh vào làm việc tại công ty dược phẩm X từ ngày 20/3/2011, công việc là đóng gói các sản phẩm thuốc. Thời hạn của hợp đồng là 01 năm. Đến khi hết thời hạn là vào ngày 20/3/2012 công ty X không thông báo gì thêm và em gái tôi vẫn tiếp tục làm việc. Đến ngày 15/2/2014 công ty X có ra quyết định ký hợp đồng tiếp với em gái tôi thời hạn là 2 năm. Qua tìm hiểu, em gái tôi biết rằng việc ký tiếp hợp đồng với công ty X là không đúng và hai bên có xảy ra tranh chấp. Luật sư cho tôi hỏi, tranh chấp giữa em gái tôi và công ty X là tranh chấp gì, và làm thế nào để giải quyết tranh chấp này? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Công ty Luật HTC Việt Nam cảm ơn bạn lựa chọn công ty để giúp đỡ tư vấn. Đối với vấn đề của bạn, Công ty Luật HTC Việt Nam sẽ trình bày một số ý kiến giải quyết như sau:
Thế nào là tranh chấp lao động?
Tranh chấp lao động theo định nghĩa của Bộ luật lao động 2012 như sau: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.”
Như vậy, tranh chấp lao động sẽ xảy ra khi các bên có mâu thuẫn, xung đột về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ với nhau. Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật lao động 2012, có 2 loại tranh chấp lao động đặc trưng, đó là tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
+ Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động.
+ Tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp lao động giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Tranh chấp lao động trên là tranh chấp gì?
Từ các phân tích nêu trên, và vấn đề của bạn thì tranh chấp trong tình huống trên là tranh chấp lao động cá nhân.
Giải quyết tranh chấp nêu trên như thế nào?
Mỗi loại tranh chấp lao động thì lại có các trình tự thủ tục giải quyết khác nhau theo luật định. Có thể xác định được tranh chấp nêu trên là tranh chấp lao động cá nhân. Trình tự thủ tục giải quyết như sau:
Điều 201 Bộ luật lao động 2012 quy định về trình tự, thủ tục giải quyết đối với tranh chấp lao động cá nhân như sau:
1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.
Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.
Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.
Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.
Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:
“Theo Điều 202 Bộ luật lao động 2012 quy định:
Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.”
Như vậy, người lao động trước hết phải gửi đơn yêu cầu hòa giải tới hội đồng hòa giải lao động cơ sở. Chậm nhất là 7 ngày tính từ ngày được nhận đơn yêu cầu hòa giải, hòa giải viên lao động cấp huyện phải tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải không thành mỗi bên tranh chấp có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp.
Trên đây là toàn bộ quan điểm giải quyết của Công ty Luật HTC Việt Nam, Công ty Luật HTC Việt Nam hy vọng bạn cảm thấy hài lòng với câu trả lời trên. Để được tư vấn, lắng nghe tư vấn trực tiếp chính xác nhất từ Luật sư bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Luật HTC Việt Nam.
--------------------------------------------------
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
-------------------------------------------------------------
Link tham khảo: