NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC GIAO KẾT NHIỀU HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG CÙNG LÚC HAY KHÔNG?
Chào luật sư, tôi hiện đang là nhân viên bán hàng tại siêu thị A. Tôi và công ty có kí hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, trong hợp đồng có nêu rõ thời gian làm việc của tôi là ca sáng từ 8 giờ đến 12 giờ. Do thời gian buổi chiều và tối khá rảnh, vì vậy tôi muốn đi làm thêm một số công việc làm thêm khác vào thời gian đó. Tôi muốn hỏi rằng hiện tôi đã kí hợp đồng lao động với công ty A thì có thể kí hợp đồng lao động với công ty khác nữa được hay không? Mong luật sư trả lời giúp tôi. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng đội ngũ luật sư Công ty luật TNHH HTC Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, hướng dẫn tư vấn cho bạn để giải quyết vấn đề này trong bài viết dưới đây:
1. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Lao động 2019;
Luật viên chức năm 2010;
Luật phòng, chống tham nhũng 2018.
2. Nội dung tư vấn
Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động trong cùng khoảng thời gian. Theo quy định tại Điều 19 Bộ Luật lao động năm 2019 về giao kết hợp đồng lao động thì người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Bên cạnh đó, người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Trong trường hợp người lao động là viên chức, người lao động cần tuân thủ các quy định của Luật viên chức năm 2010 và Luật phòng, chống tham nhũng 2018. Cụ thể là tại Điều 19 Luật Viên chức quy định về những việc viên chức không được làm và Điều 37 Luật phòng, chống tham nhũng quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Khi được tuyển dụng, viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập để thỏa thuận về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Viên chức thực hiện 2 loại hợp đồng làm việc theo khoản 2, Điều 2 Luật sửa đổi 2019:
- Hợp đồng không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực, áp dụng với người được tuyển dụng trước 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển sang viên chức; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;
- Hợp đồng xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực trong thời gian từ đủ 12 - 60 tháng, áp dụng với người được tuyển dụng vào viên chức kể từ ngày 1-7-2020.
Như vậy, khác với người lao động, viên chức không ký hợp đồng lao động khi làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập mà thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc.
Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức năm 2010, về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, viên chức có quyền:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Đồng thời, Điều 19 Luật Viên chức quy định những việc viên chức không được làm không hạn chế quyền được ký kết hợp đồng lao động để làm thêm với các doanh nghiệp khác. Có thể thấy, viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài bên cạnh việc làm việc theo hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.
Đặc biệt, nếu là viên chức có chức vụ, quyền hạn thì còn phải đáp ứng các quy tắc ứng xử nêu tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Khi đó, viên chức không được làm những việc sau nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ:
- Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
- Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định;
- Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác…
Đối với vấn đề của khách hàng, theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn là người lao động thông thường, không phải viên chức, vì vậy chỉ cần tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động. Trước tiên cần xem xét lại hợp đồng lao động giữa bạn và công ty A, trong đó có thỏa thuận nào về hạn chế về việc làm hay không? Nếu có thì bạn cần tuân thủ theo hợp đồng đã kí kết. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định khác, bạn có thể kí nhiều hợp đồng lao động với nhiều nhà sử dụng lao động khác nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết trong các hợp đồng.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về quy định của pháp luật hiện hành về giao kết nhiều hợp đồng lao động cùng lúc. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Hà Thảo)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Tư vấn về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động