CÔNG TY THU TIỀN BẢO HIỂM XÃ HỘI NHƯNG KHÔNG ĐÓNG LÊN CHO CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI, NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN PHẢI LÀM GÌ?
CÔNG TY THU TIỀN BẢO HIỂM XÃ HỘI NHƯNG KHÔNG ĐÓNG LÊN CHO CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI, NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN PHẢI LÀM GÌ?
Bảo hiểm xã hội là một sự bù đắp hay thay thể thu nhập của một cá nhân khi họ bị mất hoặc giảm khả năng lao động. Sự hỗ trợ này được xây dựng từ các bên tham gia bảo hiểm xã hội. Mỗi cá nhân cần tuân thủ việc đóng bảo hiểm đúng luật để đảm bảo được quyền và lợi ích của bản thân. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người lao động đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại không đóng bảo hiểm này cho cơ quan bảo hiểm làm ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Vậy trong trường hợp này, người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân?
1. Đối tượng nào phải đóng bảo hiểm xã hội?
Theo quy định tại Điều 2 luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc có: người lao động là công dân Việt Nam, ký hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng mùa vụ từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng,…
Như vậy, khi người lao động đã ký kết hợp đồng với công ty thì người lao động có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Công ty có trách nhiệm phải nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động không?
Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động, trong đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
+ Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
+ Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, trong trường hợp công ty đã thu tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, thì phía công ty có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội đó cho cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, mức bảo hiểm xã hội mà công ty sẽ đóng cho nhân viên của mình là 17% và người lao động phải đóng 8%.
Theo quy định của pháp luật, khi công ty không đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
3. Trường hợp công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm, người lao động phải làm gì?
+ Khiếu nại lần đầu:
Khi người lao động đã nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động là công ty, thì công ty có nghĩa vụ nộp tiền bảo hiểm xã hội đó cho cơ quan bảo hiểm. Trong trường hợp công ty không nộp tiền bảo hiểm đó cho cơ quan bảo hiểm, đây là một trong những tranh chấp lao động cá nhân, người lao động có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến Tổ chức Công đoàn của công ty để yêu cầu công ty nộp đúng số tiền bảo hiểm mà người lao động đã nộp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Đây là những người có thẩm quyền xem xét, giải quyết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
+ Khiếu nại lần 2:
Nếu công ty vẫn không thực hiện nộp tiền bảo hiểm xã hội cho người dân trong hạn 30 ngày từ ngày gửi đơn khiếu nại, thì người lao động có quyền gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thụ lý, giải quyết theo quy định tại Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, luật dạy nghề, luật khiếu nại...
Trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Chánh thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội là chủ thể cuối cùng về giải quyết khiếu nại của người lao động theo thủ tục hành chính.(Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
Lưu ý: Cả hai lần khiếu nại, người lao động đều có thể khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn. Người lao động nên khiếu nại đích danh. Nếu khiếu nại nặc danh thì có thể đơn khiếu nại sẽ không được giải quyết, vì người giải quyết khiếu nại sẽ không biết phải gửi văn bản trả lời giải quyết khiếu nại đến ai.
+ Yêu cầu hòa giải:
Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp (Điều 202 Bộ luật Lao động 2012).
+ Khởi kiện đến Tòa án nhân dân.
Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi: Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại; Hoà giải không thành; Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải; Công ty vẫn không đóng.(theo Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Công ty Luật HTC Việt Nam về vấn đề Công ty không nộp bảo hiểm cho người lao động. Để được tư vấn, lắng nghe tư vấn trực tiếp chính xác nhất từ Luật sư bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với Công ty Luật HTC Việt Nam.
(T.H)
-------------------------------------------------------
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
----------------------------------------------------------
Xem các bài viết liên quan:
Doanh nghiệp có được ngừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Có trường hợp nào không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?