CÓ ĐƯỢC TỰ Ý CHUYỂN NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC KHÁC SO VỚI HỢP ĐỒNG ĐÃ GIAO KẾT BAN ĐẦU HAY KHÔNG?
Hiện nay tôi đang làm ở bộ phận Marketing ở công ty A tại Hà Nội. Tuy nhiên, ngày 15/5/2021, tôi có nhận được quyết định từ ngày 17/5 chuyển công tác sang làm tạm thời 6 tháng ở bộ phận sản xuất tại nhà máy của công ty ở Bắc Ninh, công việc là làm ở dây chuyền sản xuất với lý do là công ty đang thiếu người làm ở dây chuyền vì nhiều người phải đi cách ly do là F1, F2. Xin hỏi quyết định chuyển công tác như vậy có đúng không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng đội ngũ luật sư Công ty luật TNHH HTC Việt Nam. Chúng tôi sẽ đồng hành cùng bạn, hướng dẫn tư vấn cho bạn để giải quyết vấn đề này trong bài viết dưới đây:
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Lao động năm 2019;
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Nội dung tư vấn
Về nguyên tắc, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người sử dụng lao động (NSDLĐ) được quyền tạm thời chuyển người lao động (NLĐ) làm công việc khác so với hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng phải đáp ứng các điều kiện nhất định về trường hợp được phép chuyển, thời gian chuyển tối đa và mức lương tối thiểu của NLĐ trong thời gian bị chuyển làm công việc khác.
Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động chỉ được chuyển người lao động sang làm công việc khác trong các trường hợp sau:
- Gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Sự cố điện, nước.
- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đối với trường hợp chuyển người lao động sang làm công việc khác do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp phải quy định cụ thể các trường hợp này trong nội quy của doanh nghiệp.
Về thời hạn, người sử dụng lao động chỉ có quyền chuyển người lao động sang làm công việc khác trong thời hạn tối đa là 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp người lao động có đồng ý.
Đồng thời, khi chuyển người lao động sang làm việc khác, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời.
Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Chế tài đối với người sử dụng lao động khi vi phạm các quy định của pháp luật về điều chuyển người lao động sang làm công việc mới so với hợp đồng lao động.
Điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với điak điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ Luật Lao động; Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp động lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác; Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Bên trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần cá nhân.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động đối với hành vi vi phạm.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bên công ty đã chuyển bạn sang làm công việc trái với hợp đồng với lý do là do nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn cần căn cứ vào nội quy lao động của công ty để xác định xem trong nội quy lao động có quy định cụ thể là khi bên bộ phận sản xuất thiếu người làm thì sẽ được thuyên chuyển người lao động ở các bộ phận khác sang không. Hơn nữa, bên công ty khi chuyển bạn sang làm công việc khác chỉ thông báo trước 02 ngày làm việc là trái quy định pháp luật. Về thời hạn làm việc, công ty yêu cầu bạn phải làm 6 tháng là trái quy định của pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, việc công ty chuyển bạn sang làm công việc khác là trái quy định pháp luật về thời hạn thông báo và thời hạn làm việc. Về nội dung công việc, bạn cần căn cứ theo nội quy công ty để xác định việc công ty chuyển sang làm công việc đó là đúng hay sai. Trong trường hợp này, bạn có thể khiếu nại lên công ty hoặc thông qua tổ chức công đoàn của công ty để bảo vệ quyền lợi cho mình. Trong trường hợp không giải quyết được, bạn có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp cá nhân tại hòa giải viên lao động hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về quy định của pháp luật hiện hành về điều chuyển người lao động đi làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Hà Thảo)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Có được thay đổi nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động?