CHUYỂN SANG CÔNG TY KHÁC CÓ ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN KHÔNG?
Con cái là tài sản quý giá nhất của mỗi người cha, người mẹ. Chính vì vậy, trong năm nay, nếu muốn sinh con, mỗi cặp vợ chồng không nên bỏ qua chế độ thai sản mà pháp luật dành cho mình. Đặc biệt khi chuyển sang công ty mới làm việc, sự chuyển giao này dẫn đến xảy ra nhiều khúc mắc về bảo hiểm vậy khi đó có còn được hưởng chế độ thai sản nữa không? Công ty luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết sau đây.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
II. Nội dung pháp lý
1. Bảo hiểm chế độ thai sản
Bảo hiểm thai sản là chế độ thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội bắt buộc, song hành cùng các chế độ như ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất,... Ngoài chức năng đảm bảo thu nhập cho người lao động, chế độ thai sản còn góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, đảm bảo quyền được chăm sóc của trẻ em.
Chế độ bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ của Bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm các quy định do Nhà nước ban hành nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho người lao động nữ khi mang thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp tránh thai và cho lao động nam khi có vợ sinh con.
Bảo hiểm chế độ thai sản nhằm mục đích:
- Tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm mẹ và thực hiện công tác xã hội.
- Tạo điều kiện cho lao động nam thực hiện nghĩa vụ khi có vợ sinh con.
- Đảm bảo thu nhập cho người lao động trong thời gian hưởng thai sản.
- Đảm bảo sức khỏe cho người lao động và quyền được chăm sóc của trẻ sơ sinh.
2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
2.1. Điều kiện được hưởng chế độ thai sản
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì một người được hưởng chế độ thai sản khi:
- Người đó là lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai, triệt sản.
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, người mẹ mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà không đảm bảo sức khỏe, phải nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì cần phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trước khi sinh.
2.2. Thời gian nghỉ chế độ bảo hiểm thai sản
Quy định về thời gian nghỉ chế độ thai sản được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội như sau:
- Thời gian nghỉ khám thai
+ Lao động nữ được nghỉ việc để khám thai 05 lần, mỗi lần được nghỉ 01 này.
+ Trường hợp người lao động ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý, có vấn đề về thai nhi thì mỗi lần khám thai được nghỉ 02 ngày.
+ Thời gian nghỉ tính theo ngày làm việc không kể ngày lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần của đơn vị.
- Thời gian nghỉ thai sản khi lao động bị sảy thai, nạo, hút thai, lưu hoặc phá thai bệnh lý
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong các trường hợp này tuân theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh và được quy định tối đa:
+ 10 ngày đối với trường hợp thai dưới 05 tuần tuổi.
+ 20 ngày đối với trường hợp thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
+ 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
+ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
- Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
Đối với lao động nữ:
+ Thời gian nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con tối đa là 6 tháng, trong đó nghỉ trước sinh không quá 02 tháng.
+ Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên, cứ thêm mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Đối với lao động nam:
+ Trường hợp thông thường, lao động nam đóng BHXH được nghỉ 05 ngày khi có vợ sinh con.
+ Trường hợp vợ sinh con phẫu thuật, thời gian nghỉ là 07 ngày.
+ Trường hợp sinh đôi: Nghỉ 10 ngày.
+ Trường hợp sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con thì lao động nam được nghỉ thêm 03 ngày.
+ Nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.
- Thời gian nghỉ chế độ khi nhận nuôi con nuôi
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
+ 7 ngày đối với trường hợp đặt vòng tránh thai.
+ 15 ngày đối với trường hợp triệt sản.
3. Chuyển sang công ty khác có được hưởng chế độ thai sản không?
Qua những phân tích như trên về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản cùng với căn cứ khoản 3, Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, quy định trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động. Theo đó, khi người lao động chấm dứt hợp đồng với công ty cũ đúng pháp luật thì sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được bảo lưu. Và khi sang công ty mới, công ty này có nghĩa vụ làm thủ tục báo tăng lao động. Và nếu sang công ty mới, người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động năm 2019. Do đó, người lao động vẫn sẽ được hưởng chế độ thai sản chứ không nhất thiết là phải làm tại công ty cũ thì mới được hưởng chế độ này.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi giải đáp băn khoăn về chế độ hưởng chế độ thai sản khi chuyển sang công ty mới làm. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đức Cường)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
Bài viết liên quan: