CHUYỂN NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÁC SO VỚI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
CHUYỂN NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÁC SO VỚI HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Khi thuyên chuyển công việc như vậy ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin cung cấp bài viết tham khảo về vấn đề này.
Thông thường, khi một hợp đồng được thiết lập giữa bên sử dụng lao động và bên người lao động, công việc cần làm sẽ được ghi trong điều khoản của hợp đồng. Khi thuyên chuyển công việc của người lao động, nghĩa là công việc mà họ cần làm khác so với cam kết trong hợp đồng, do vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động, pháp luật đã quy định tại Điều 31, Bộ luật lao động năm 2012 như sau:
“1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
2. Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
3. Người lao động làm công việc theo quy định tại khoản 1 Điều này được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”
Như vậy, căn cứ theo viện dẫn trên, có thể thấy rằng, người sử dụng lao động có quyền chuyển người lao động làm công việc khác so với nội dung công việc ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, việc thuyên chuyển công việc này phải tuân thủ theo yêu cầu sau:
1. Về lí do thuyên chuyển người lao động sang công việc khác:
Trong thời gian làm việc, gặp khó khăn đột xuất không thể thay đổi và khắc phục ngay được như:
+ Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh
+ Áp dụng biện pháp ngăn ngừa
+ Khắc phục tai nạn, bệnh nghề nghiệp
+ Sự cố điện nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh
Khi xảy ra những tình huống như trên, người sử dụng lao động có quyền tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác, nhưng thời hạn không được quá thời gian theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có sự đồng ý của người lao động.
2. Cần phải thông báo về thời hạn chuyển công việc cho người lao động:
Vì việc chuyển công việc của người lao động sẽ gây ảnh hưởng đến thời gian cũng như cuộc sống của người lao động nên trước khi chuyển công việc của họ, bên sử dụng lao động cần thông báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc. Việc thông báo này cần phải bao gồm cả thông báo về thời hạn làm tạm thời và loại công việc. Loại công việc này cần phải phù hợp với sức khỏe và giới tính của người lao động.
3. Tiền lương:
Khi người lao động tiếp nhận công việc mới, thì tiền lương phải được thanh toán đầy đủ.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về chuyển người lao động sang làm công việc khác không giống với hợp đồng. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý.
(Nguyệt)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Khi công ty không trả lương, người lao động cần làm gì?
Khi nào người lao động phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động?
Khi nào người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại cho người lao động?
Một số lưu ý khi giao kết hợp đồng lao động