VI PHẠM BẢN QUYỀN NHIẾP ẢNH
VI PHẠM BẢN QUYỀN NHIẾP ẢNH
Câu hỏi: Kính chào Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam. Gần đây tôi phát hiện ra bức ảnh tôi đã chụp trên chuyến du lịch Sìgapore trên trang bìa một tờ tạp chí du lịch mà chưa xin phép tôi. Tôi cho rằng họ đã lợi dụng hình ảnh của tôi để giật tít nhằm thu lợi. Bức ảnh đó tôi mới chỉ đăng trên trang cá nhân trên Facebook. Họ đã tự ý làm vậy mà chưa hỏi ý kiến của tôi. Nhờ các luật sư tư vấn cho tôi làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi xin cảm ơn. (Hồng Hạnh, Hà Nội)
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam. Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Nội dung tư vấn
Thực tế hiện nay, việc một số cơ quan báo chí tự tiện sử dụng hình ảnh trên facebook cá nhân của người khác mà chưa được sự cho phép của tác giả đang diễn ra một cách phổ biến. Phần lớn các mạng xã hội hiện nay đều cho phép người dùng tự do đăng bài viết hoặc hình ảnh, chỉ một số ít mạng xã hội thực hiện quản lý thông tin, hình ảnh của người dùng đưa lên. Lợi dụng vào kẽ hở này, một số tổ chức, cá nhân có thể vô tư lấy những hình ảnh, thông tin của người khác trên mạng xã hội để phục vụ cho một mục đích nào đó.
a, Tác phẩm nhiếp ảnh là đối tưởng bảo hộ của luật sở hữu trí tuệ
Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”
Nhưng nếu muốn kiện ra tòa, bạn sẽ phải có bằng chứng về quyền sở hữu của mình - mà chỉ có được nếu bạn làm hồ sơ bản quyền với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam. Nếu không có bản quyền này, bạn sẽ phải chứng minh rất phức tạp.
Theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm cả tác phẩm nhiếp ảnh. Trong trường hợp này, nếu bạn chưa đăng ký bản quyền tác giả đối với hình ảnh của mình thì cần phải có đầy đủ chứng cứ chứng minh mình là chủ sở hữu của tác phẩm gốc một cách hợp pháp.
Theo Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm: “Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.”
⇒ Như vậy, hành vi của bên xuất bản tờ tạp chí kia đã vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh của bạn vì bạn là tác giả của bức ảnh.
b, Phương thức bảo vệ
Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ còn quy định về quyền tự bảo vệ như sau:
“Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình...”
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, nhiếp ảnh là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ bản quyền và bản quyền nhiếp ảnh phát sinh ngay từ khi tác phẩm được sáng tạo ra mà không phải thông qua bất kỳ trình tự thủ tục pháp lý nào.
Do đó về mặt nguyên tắc, bạn có thể đứng ra đòi lại quyền lợi chính đáng của mình bằng cách yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai… hoặc có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để được giải quyết.
Nếu khởi kiện, bạn phải đưa ra được các chứng cứ để chứng minh tác phẩm nhiếp ảnh là của bạn.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất
(Vân Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Các hành vi xâm phạm đối với quyền tác giả
Tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý để đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan
Tư vấn tra cứu thông tin đến đăng ký về bản quyền tác giả
Tư vấn quyền tác giả và quyền liên quan