SO SÁNH CƠ CHẾ BẢO HỘ TÁC PHẨM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG VÀ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
SO SÁNH CƠ CHẾ BẢO HỘ TÁC PHẨM MỸ THUẬT ỨNG DỤNG VÀ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng đồng thời là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế. Mỗi đối tượng riêng sẽ có cơ chế bảo hộ khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay không ít người vẫn còn nhầm lẫn giữa Cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp, bài phân tích sau đây công ty Luật TNHH HTC Việt Nam chúng tôi xin giải quyết về vấn đề: So sánh cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp.
I. Cơ sở pháp lý
- Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu công nghiệp
- Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật
- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009;
- Nghị định 105/2006/NĐ – CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ;
- Nghị định 22/2018/NĐ – CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan;
II. Nội dung
1. Điểm giống nhau
-Đều là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
-Đều là những quyền của chủ thể sáng tạo hoặc chủ thể sở hữu các sáng tạo đó.
-Bảo hộ cho quyền và lợi ích của các chủ thể có quyền và tránh các hành vi xâm phạm đến chủ thể có quyền được bảo hộ.
-Đều là đối tượng sáng tạo mang tính thẩm mỹ .
-Đều thể hiện dưới dạng là hình dáng bên ngoài của tác phẩm (hình khối, đường nét, màu sắc…).
2. Điểm khác nhau
Thứ nhất, về căn cứ xác lập quyền
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ có quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” theo đó, hình thức xác lập quyền của tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là theo cơ chế bảo hộ tự động, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Từ thời điểm tạo ra tác phẩm, tác giả được bảo hộ về mặt pháp lý và có các quyền của người sáng tạo mà không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục đăng ký nào. Quyền tác giả được phát sinh mặc nhiên và nó được thiết lập từ thời điểm tác phẩm đó được thể hiện dưới hình thức khách quan mà người khác có thể nhận biết được. Việc đăng ký chỉ mang tính chất khuyến khích, chứ không bắt buộc, nếu đi đăng ký thì chi phí và thời gian (15 ngày) đăng ký không đáng kể.
Như vậy, việc đăng ký không phải là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả mà chỉ có giá trị là chứng cứ chứng minh của đương sự khi có tranh chấp về quyền tác giả và một bên khởi kiện tại tòa án nhân dân hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Kiểu dáng công nghiệp: căn cứ vào điểm a khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ quy định là: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp… được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên…”. Theo quy định này, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đây là thủ tục bắt buộc. Kiểu dáng công nghiệp chỉ được pháp luật bảo hộ khi đã được cơ quan nhà nước chính thức cấp văn bằng bảo hộ. Đăng ký văn bằng bảo hộ là cách thức công khai, thông báo về tình trạng cua tài sản đã thuộc về chủ thể xác định để tránh tình trạng tài sản bị người khác chiếm đoạt mà không có căn cứ chứng minh để bảo vệ quyền của mình. Việc đăng ký này mất nhiều thời gian và chi phí hơn đăng ký bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Thứ hai, về điều kiện bảo hộ
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: chỉ cần tạo ra tác phẩm được thể hiện dưới dạng một hình thức vật chất nhất định và chỉ cần có tính nguyên gốc do tác giả sáng tạo ra mà không đòi hỏi có tính mới, không đòi hỏi bất kỳ về điều kiện nội dung, chất lượng và hiệu quả của tác phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp: cao hơn, phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ là: có tính mới (so với thế giới), có tính sáng tạo (không được trùng hoặc tương tự với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký) và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Thứ ba, về thời hạn bảo hộ
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: thời hạn bảo hộ được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ.
Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng có thời hạn bảo hộ là 75 năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên.
Đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm kể từ tác phẩm được định hình.
Kiểu dáng công nghiệp: thời hạn bảo hộ được quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ như sau: “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn liên tiếp, mỗi lần 5 năm”. Như vậy, thời hạn bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp tối đa là 15 năm
Thứ tư, về cách thức bảo hộ
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: pháp luật chỉ bảo hộ hình thức chứa đựng tác phẩm khi nó được tạo ra và thể hiện dưới hình thức nhất định mà không bảo hộ nội dung, ý tưởng sáng tạo tác phẩm vì không một ai có thể biết được một vấn đề đang nằm trong suy nghĩ của người khác. Những ý tưởng, kể cả cách sắp xếp đã có trong suy nghĩ của tác giả nhưng chưa được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức nhất định thì không có căn cứ để công nhận và bảo hộ những điều chưa được bộc lộ ra bên ngoài ấy.
Kiểu dáng công nghiệp: pháp luật bảo hộ độc quyền về mặt nội dung, ý tưởng sáng tạo chứ không bảo hộ về hình thức bên ngoài sản phẩm.
Thứ năm, về ý nghĩa của việc bảo hộ
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: do tác phẩm mỹ thuật ứng dụng chỉ bảo hộ về hình thức của tác phẩm để chống lại sự sao chép hoặc lấy và sử dụng hình thức trong tác phẩm gốc đã được thể hiện. Tuy nhiên, chủ sở hữu không thể ngăn cấm người khác tạo ra và sử dụng những thiết kế trùng hoặc tương tự nên cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng yếu hơn kiểu dáng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp: do bảo hộ độc quyền về mặt nội dung, ý tưởng sáng tạo nên chủ sở hữu được độc quyền khai thác, sử dụng kiểu dáng công nghiệp và có quyền ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó. Ta thấy, có chế bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp mạnh hơn tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi phân tích điểm giống và khác nhau giữa cơ chế bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Vân Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Vi phạm pháp luật về kiểu dáng công nghiệp thường gặp
Tư vấn các quy định chung về kiểu dáng công nghiệp
Tư vấn pháp luật về quyền tác giả
Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp