GIẢ MẠO NHÃN HIỆU HÀNG HÓA BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật quốc gia và quốc tế quan tâm bảo hộ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các hành vi xâm phạm nhãn hiệu đang ngày càng gia tăng nhất là hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Điều này gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được bảo hộ. Vậy quy định của pháp luật hiện hành về xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.
I. Cơ cở pháp lý
1. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (gọi tắt là Luật SHTT)
2. Bộ luật Hình sự năm 2015
3. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
II. Nội dung tư vấn
1. Khái niệm và chức năng của nhãn hiệu
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật SHTT thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4).
Chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một tổ chức, cá nhân có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu nhằm phù hợp với nhu cầu kinh doanh từng chủng loại và từng khu vực cụ thể, theo quy định của pháp luật.
2. Xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu
Thực tế cho thấy nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác đã được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa sẽ có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Xử lý hành chính
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
- Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đẻ buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);
- Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).
2.2. Xử lý hình sự
Giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).
- Về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả:
Điều 192 BLHS quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các trường hợp được qui định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù, khi có tình tiết sau:
+ Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
+ Làm chết 02 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Về Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp:
Điều 226 BLHS quy định người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
+ Xâm phạm với quy mô thương mại;
+ Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng.
Nếu thực hiện hành vi giả mạo nhãn hiệu thuộc một trong các trường hợp sau, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu 500.000.000 đồng trở lên;
+ Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng Sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thì sẽ bị xử lý về Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền Sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Như vậy, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam liên quan đến việc xử lý hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Thị Lan Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan: