TƯ VẤN QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN (P3)
Thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được tiến hành như sau theo quy định của Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả như sau:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại khoản 2 Điều 13 và Điều 17 của Luật sở hữu trí tuệ trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng). ( Điều 34 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 50 Luật SHTT 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan;
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả, hoặc 02 bản sao bản định hình đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền (tiếng Việt);
d) Tài liệu bằng tiếng Việt chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý bằng tiếng Việt của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trường hợp từ chối thì người nộp hồ sơ sẽ được Cục Bản quyền thông báo bằng văn bản.
Nơi đăng ký:
Tại Hà Nội: Cục Bản quyền tác giả – Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội;
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, Số 180 Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh;
Tại Đà Nẵng: Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại Đà Nẵng, Số 01, Đường An Nhơn 7, Phương An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
( L.Đ.T.Thủy)