TƯ VẤN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ GIỮA HAI CHỦ THỂ
TƯ VẤN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ GIỮA HAI CHỦ THỂ
Quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt của doanh nghiệp, được xem như một quyền tài sản đối với sản phẩm trí tuệ của mình. Loại tài sản này có được mua bán, chuyển nhượng như một tài sản thông thường, vậy thủ tục hồ sơ chuyển nhượng như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này dưới đây:
I. Cơ sở pháp lý.
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009)
- Nghị định số 88/2010/NĐ-CP ngày 16 thán 08 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng.
II. Nội dung tư vấn.
Việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện như chuyển nhượng tài sản thông thường, tuy nhiên phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là việc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ được thể hiện dưới hình thức văn bản, được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ - trong trường hợp chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp; và tại Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – đối với trường hợp chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng.
Tuy nhiên, việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là không bắt buộc.
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ chủ sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền nếu hồ sơ thông qua đại diện.
2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng bao gồm:
- 02 bản Tờ khai đăng ký theo mẫu;
- 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ), hợp đồng làm bằng tiếng Việt hoặc phải dịch ra tiếng Việt, từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc dấu giáp lai;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ bằng bảo hộ giống cây trồng;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, đối với trường hợp giống cây trồng thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Trường hợp giống cây trồng được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì phải bổ sung các tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Nghị định này.
Cơ quan bảo hộ giống cây trồng thẩm định hồ sơ đăng ký trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn để xác định tính hợp lệ của đơn.
+ Nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ, không có sai sót, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cấp lại bảo hộ giống cây trồng ghi nhận chủ sở hữu mới là bên nhận chuyển nhượng; ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu bằng bảo hộ giống cây trồng vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và công bố trên tạp chí chuyển ngành về giống cây trồng;
+ Ngược lại, trường hợp hồ sơ đăng ký chưa hợp lệ, có sai sót, cơ quan bảo hộ giống cây trồng thông báo rõ các thiếu sót của hồ sơ, ấn định thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót. Sau thời hạn trên, nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa thì chấm dứt hẳn việc thẩm định hồ sơ đăng ký.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về tư vấn cho các doanh nghiệp về tài sản là quyền sở hữu trí tuệ có thể chuyển nhượng được hay không. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Quỳnh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn