THỦ TỤC CẤP VĂN BẰNG BẢO HỘ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Văn bằng bảo hộ gồm nhiều loại khác nhau như: bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, bằng bảo hộ giống cây trồng.
Để được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp thì tổ chức – cá nhân nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam tới Cục sở hữu trí tuệ. Sau đó, Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hình thức và thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp, đơn hợp lệ thì cơ quản lý về sở hữu công nghiệp sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ và đăng bạ. Cụ thể, tại Điều 118 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009 quy định việc cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ như sau:
Thứ nhất, Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không thuộc các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 117 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 2009, đó là:
Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp: Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ; đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất; đơn đăng ký bảo hộ trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn thì bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Và, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về thông báo dự định từ chối.
Đơn đăng ký thiết kế bố trí bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu về hình thức.
Nên, những đơn đăng ký cấp văn bằng bảo hộ không thuộc vào các trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ như đã nêu ở trên và người nộp đơn nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
Thứ hai, thực hiện việc cấp văn bằng bảo hộ thì theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định: Trong thời hạn 10 ngày - kể từ ngày người nộp đơn nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, nếu chủ văn bằng bảo hộ thấy có sai sót thì có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ sửa chữa văn bằng bảo hộ. Và kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, việc chuyển giao đơn sẽ không được xem xét.
Như vậy, Điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp và đăng bạ, đó là: đơn đăng ký không thuộc vào trong các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ và đủ điều kiện về yêu cầu hợp lệ trong đơn – người nộp đơn đã nộp phí và lệ phí.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
( L.Đ.T.Thủy)