SO SÁNH CHỈ DẪN ĐỊA LÝ VÀ NHÃN HIỆU TẬP THỂ
Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, nhiều người hay nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi những phân tích để phân biệt chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu tập thể trên một số tiêu chí cơ bản.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Còn nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải thành viên của của tổ chức đó (Khoản 17 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cả chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đều là các chỉ dẫn thương mại. xuất hiện trên hàng hóa, giúp người tiêu dùng phân biệt các loại hàng hóa; Chúng đều là dấu hiệu nhìn thấy được và đều phải đăng ký xác lập quyền.
Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa chúng là:
1. Về chức năng:
Chỉ dẫn địa lý bắt buộc phải chứa tên địa danh nơi sản phẩm mang chỉ dẫn được sản xuất. Giúp người tiêu dùng phân biệt khu vực của hàng hóa với những nét đặc thù riêng của khu vực đó như thế nào trong qua trình lựa chọn.
Nhãn hiệu tập thể có thể chứa bất kỳ dấu hiệu nào được pháp luật cho phép để phân biệt hàng hóa, dịch vụ do thành viên của tổ chức tập thể sản xuất với hàng hóa, dịch vụ của những chủ thể khác không phải là thành viên của tổ chức.
2. Về chủ thể có quyền đăng kí bảo hộ:
Tổ chức, cá nhân mang chỉ dẫn địa lý; tổ chức, tập thể đại diện cho tổ chức, cá nhân trên; cơ quan quản lý hành chính địa phương mới có quyền đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ không được là chủ sở hữu, mà chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý là Nhà nước. Nhà nước trực tiếp quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý cho tổ chức đại diện, không được chuyển nhượng quyền SHCN đối với chỉ dẫn địa lý cho các chủ thể khác.
Chủ thể có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể là tổ chức được thành lập hợp pháp. Tổ chức đó trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, và được chuyển nhượng quyền SHCN đối với nhãn hiệu tập thể cho các chủ thể khác.
3. Chủ thể có quyền sử dụng:
Nhà nước trao quyền cho tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương và đưa sản phẩm ra thị trường.
Thành viên của tổ chức và bản thân tổ chức là chủ sở hữu thì có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.
4. Đối tượng:
Chỉ dẫn địa lý chỉ được dùng để gắn lên các hàng hóa là đặc sản của một địa phương nhất định; Trong khi đó, nhãn hiệu tập thể có thể sử dụng để gắn lên mọi loại hàng hóa, dịch vụ.
5. Phạm vi bảo hộ:
Phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý có ranh giới xác định bằng từ ngữ và bản đồ. Đối với nhãn hiệu tập thể thì không có ranh giới xác định. Cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu tập thể có thể tiến hành sản xuất kinh doanh ở các địa phương khác nhau nhưng vẫn phải tuân theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
6. Thời hạn bảo hộ:
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ không thời hạn; Còn nhãn hiệu tập thể được bảo hộ 10 năm, có thể ra hạn liên tiếp mỗi lần 10 năm.
Trên đây là những phân tích của chúng tôi để phân biệt chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn có thể tìm đến sự hỗ trợ của Công ty luật TNHH HTC Việt Nam.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn
( L.Đ.T.Thủy)