PHÂN BIỆT NHÃN HIỆU VÀ TÊN THƯƠNG MẠI
Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp sử dụng tên thương mại đồng nhất với nhãn hiệu của sản phẩm, dịch vụ. Việc này có nghĩa là khi sử dụng tên thương mại như nhãn hiệu mà không đăng ký bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ sẽ có nguy cơ xâm phạm nhãn hiệu rất cao. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này chúng tôi cung cấp cho quý khách hàng thông tin để phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại để có phương án bảo hộ phù hợp.
Về cơ bản, nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên thực tế, do những điểm giống nhau nhất định về mặt hình thức mà mọi người vẫn thường nhầm lẫn. Về mặt giống nhau: nhãn hiệu và tên thương mại đều là các chỉ dẫn thương mại xuất hiện trên hàng hóa, giúp người tiêu dùng phân biệt, đều phải là những dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau ( Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009).
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh (Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009)
1. Căn cứ xác lập:
- Để được bảo hộ, nhãn hiệu thông thường bắt buộc phải đăng ký, giấy chứng nhận được cấp bỏi Cục Sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký.
- Đối với tên thương mại thì không cần đăng ký mà vẫn được bảo hộ; Việc bảo hộ dựa trên việc sử dụng hợp pháp, lâu dài, ổn định. Khi có tranh chấp, việc chứng minh sử dụng dựa trên các căn cứ: số năm hoạt động của Công ty, số lượng người tiêu dùng biết đến sản phẩm của Công ty, thị phần trên thị trường hoặc độ phổ biến trong khu vực.
2. Phạm vi bảo hộ:
Nhãn hiệu được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ đăng ký.
Tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
3. Thời hạn bảo hộ:
Nếu như nhãn hiệu chỉ được bảo hộ trong thời hạn 10 năm và được gia hạn không hạn chế số lần thì đối với tên thương mại không xác định thời gian bảo hộ; việc bảo hộ đối với tên thương mại chỉ chấm dứt khi tên thương mại đó không được sử dụng nữa.
4. Chuyển giao và chuyển nhượng:
Chuyển nhượng và chuyển giao nhãn hiệu được thực hiện khi chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.
Tên thương mại được chuyển giao khi chủ sở hữu chuyển giao toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh.
Mức độ phân biệt và nhận biết của nhãn hiệu rộng hơn tên thương mại. Tên thương mại chỉ là tên gọi của chủ thể kinh doanh nhưng nhãn hiệu có thể là chữ, logo, số, cách kết hợp màu sắc, hình học,…ở một số quốc gia còn chấp nhận bảo hộ mùi và âm thanh. Đăng ký nhãn hiệu là biện pháp an toàn và toàn diện, hiệu quả nhất để bảo vệ quyền của chủ thể kinh doanh với cả nhãn hiệu và tên thương mại.
Trên đây là những phân tích của chúng tôi phân biệt nhãn hiệu và tên thương mại, quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn có thể tìm đến sự hỗ trợ của Công ty luật TNHH HTC Việt Nam.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
( L.Đ.T.Thủy)