NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TRONG SỞ HỮU TRÍ TUỆ
NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TRONG SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do quốc tế và song phương. Điều này là một trong những điều kiện thuận lợi thu hút rất lớn các thương hiệu nước ngoài quan tâm tới thị trường của Việt Nam. Với sự cạnh tranh gay gắt như hiện giờ, để đẩy nhanh tốc độ nhân rộng, nhiều thương hiệu không chỉ ở nước ngoài mà cả ở trong nước, họ tự phát triển thương hiệu, xây dựng hệ thống các cửa hàng trực thuộc trong một thời gian nhất định, sau đó nhượng quyền lại cho đối tác khác. Đây là một xu hướng phát triển không mới nhưng lại rất hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ ràng khi bạn bước chân xuống các tuyến phố ở các thành phố lớn ở Việt Nam. Vậy trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhượng quyền thương mại được quy định như thế nào, công ty Luật HTC Việt Nam sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện:
I. Cơ sở pháp lý.
- Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2009);
- Luật Thương mại 2005;
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
- Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/3//2006 để quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.
II. Nội dung tư vấn.
1. Khái niệm nhượng quyền thương mại.
Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại (franchise) là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện nhất định. Chúng ta có thể hiểu rằng, nhượng quyền thương mại là một thỏa thuận giữa một người (bên nhượng quyền) đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp cụ thể cho phép người khác (bên nhận quyền) sử dụng hệ thống đó theo quy định của bên chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng sẽ nhận được tiền thù lao từ bên nhận quyền, tuy nhiên bên được nhượng quyền sẽ phải đáp ứng, hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn và thực tiện được bên nhượng quyền thiết lập và giám sát và nhận được sự trợ giúp, hỗ trợ từ bên nhượng quyền.
Hợp đồng nhượng quyền thương mại là hợp đồng hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng một sản phẩm hoặc một quy trình hoạt động là một đối tượng sở hữu công nghiệp và đang được bảo hộ. Nhượng quyền thương mại liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu hàng hóa hoặc các đối tượng sở hữu trí tuệ khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các luật liên quan.
2. Luật sư tư vấn nhượng quyền trong sở hữu trí tuệ:
- Đối tượng sở hữu công nghiệp trong nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 10 Nghị định 35/2006/NĐ-CP như sau:
+ Nếu bên nhượng quyền chuyển giao cho bên nhận quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp và các nội dung của quyền thương mại thì phần chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đó có thể được thành lập một phần riêng trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
+ Phần chyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp trong hợp đồng nhượng quyền chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu công nghiệp như Luật Sở hữu trí tuệ 2005
- Đối với nhãn hiệu, chỉ được nhượng quyền nếu không gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa hay dịch vụ mang nhãn hiệu và chỉ được chuyển nhượng nhãn hiệu cho cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
Sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu là hai đối tượng được nhượng quyền thương mại nhiều nhất. Ngoài hai đối tượng này ra, nếu chuyển nhượng thương mại cũng cần chú ý tới:
+ Chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
+ Tên thương mại chỉ được nhượng quyền cùng với chuyển nhượng toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó;
+ Chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng quyền.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam dù chọn hình thức là nhượng quyền nhưng bản chất, cách quản lý hay hoạt động vẫn còn thiếu nhiều yếu tố và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các vi phạm về sở hữu trí tuệ của bên nhận sẽ khiến cho bên nhượng quyền gặp rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh về chất lượng sản phẩm, uy tín kinh doanh.
Đối với những trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong nhượng quyền thương mại đều bị xử lý vi phạm về hành chính, ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi về tư vấn cho các doanh nghiệp về nhượng quyền thương mại trong sở hữu trí tuệ. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Quỳnh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết có liên quan:
Thủ tục nhượng quyền thương hiệu.
Điều kiện thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại đối với thương nhân nước ngoài.