NHỮNG LƯU Ý TRƯỚC KHI NỘP ĐƠN ĐĂNG KÝ BẢO HỘ SÁNG CHẾ
Trong thời đại kinh tế hội nhập sâu rộng trong và ngoài khu vực, thì các quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ ngày càng có vị trí quan trọng trong xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng. Với lợi thế trong thời buổi kinh tế hiện nay thì việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của một chủ thể là điều hết sức cần thiết. Theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quốc gia khác, khi đăng ký bảo hộ đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ thì đối tượng đó sẽ được pháp luật bảo hộ và ghi nhận. Qua bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn trong việc tìm hiểu những lưu ý trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế - một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
- Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính Quy định về phí lệ phí sở hữu công nghiệp.
II. Nội dung tư vấn
1. Khái niệm về sáng chế
Theo quy định tại khoản 12, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Một sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng được ba điều kiện là có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp (Khoản 1 Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Có hai hình thức bảo hộ sáng chế, đó là: bằng độc quyền sáng chế nếu sáng chế đáp ứng được đủ ba điều kiện nêu trên và bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng hai điều kiện là có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Theo quy định của pháp luật, quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ thể muốn được hưởng quyền đối với sáng chế cần phải làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Lưu ý trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế
Trước hết, cần đánh giá khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích dựa trên các yếu tố sau:
- Xác định đối tượng đăng ký có phải là giải pháp kỹ thuật hay không để yêu cầu bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích.
- Đối tượng dự định đăng ký có thuộc danh mục các đối tượng không được bảo hộ hay không? (dựa trên quy định tại Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ 2005) để tránh việc khi nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bị trả lại do rơi vào trường hợp không được bảo hộ, làm mất thời gian và tiền bạc khi làm và nộp hồ sơ.
- Xác định đối tượng có thỏa mãn các điều kiện bảo hộ sáng chế theo quy định pháp luật hay không? Gồm kiểm tra, đánh giá về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
Để đánh giá tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế, cần tra cứu mọi nguồn thông tin sáng chế để tìm ra sáng chế có bản chất kỹ thuật gần nhất với đối tượng dự định đăng ký và so sánh với giải pháp kỹ thuật của mình. Có thể tự tra cứu hoặc sử dụng dịch vụ của Cục sở hữu trí tuệ để tra cứu thông tin về sáng chế từ: Công báo sở hữu công nghiệp do Cục sở hữu trí tuệ phát hành hàng tháng; Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế / giải pháp hữu ích được lưu giữ tại cục sở hữu trí tuệ; Bản mô tả sáng chế của các quốc gia thu nhập và được lưu giữ tại trung tâm thông tin thuộc cục sở hữu trí tuệ. Hoặc tham khảo tra cứu tại một số trang web sau: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchPAT.php (tra cứu thông tin sáng chế thuộc thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam); http://digipat.noip.gov.vn/ (thư viện số về bằng độc quyền sáng chế/GPHI của Việt Nam); https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf (tra cứu thông tin sáng chế do WIPO cung cấp).
Cần có sự phân tích, cân nhắc khả năng đem lại lợi ích thật sự của bằng độc quyền thông qua các khía cạnh sau:
- Đối tượng dự định đăng ký sáng chế có tiềm năng thương mại hay không? Cần đánh giá, nhận định giá trị kinh tế mà nó mang lại, khả năng áp dụng trong kinh doanh.
- Việc áp dụng đối tượng dự định đăng ký trong thực tế có khả thi hay không? Hay là khả năng áp dụng, thực hiện trong sản xuất, kinh doanh.
- Khả năng mang lại lợi ích cho chủ sở hữu hay tác giả của sáng chế dự định đăng ký, đặc biệt là lợi ích về kinh tế hay không?
Cần có sự chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế hợp lệ, đúng theo quy định của pháp luật (dựa trên quy định tại Điều 7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN về yêu cầu chung đối với đơn sở hữu công nghiệp) hoặc tham khảo quy định trên trang web Cục Sở hữu trí tuệ) và lệ phí cần phải nộp khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về những lưu ý trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Thị Mỹ Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan: