NHỮNG ĐỐI TƯỢNG CÓ THỂ ĐĂNG KÝ BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP
Kiểu dáng công nghiệp là một trong những tài sản vô hình có giá trị lớn đối với doanh nghiệp trong việc sản xuất sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp đặc trưng, đưa ra tiêu thụ trên thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác. Do đó, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đối với kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp sở hữu là vô cùng quan trọng. Vậy những đối tượng có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung các năm 2009 và 2019.
II. Nội dung tư vấn
1. Quy định của pháp luật về kiểu dáng công nghiệp
Theo Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp được hiểu là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Ví dụ như vỏ lon nước coca, hình dáng của xe máy, ô tô hay bao bì sản phẩm… chính là kiểu dáng công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp với biểu hiện là hình dáng bên ngoài của sản phẩm có sự kết hợp với màu sắc, họa tiết, mang tính thẩm mỹ chứ không phản ánh đặc điểm kỹ thuật hay đặc tính bên trong của sản phẩm.
Ngoài ra, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm cụ thể còn mang tính mới, sự sáng tạo và có khả năng áp dụng sản xuất công nghiệp (Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Kiểu dáng công nghiệp gắn liền với sản phẩm, là hình ảnh bên ngoài của sản phẩm mà người tiêu dùng nhìn thấy. Bên cạnh đó, nó là yếu tố để người tiêu dùng phân biệt các mặt hàng cùng loại và cũng là để thu hút sự chú ý của họ với sản phẩm. Yếu tố hấp dẫn của kiểu dáng công nghiệp thể hiện thông qua sự thiết kế sản phẩm nhìn bên ngoài không những đẹp trong mắt người tiêu dùng mà còn dễ dàng, thuận lợi trong việc sử dụng.
Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp rất được các công ty sản xuất chú ý. Với lợi ích kinh tế mà kiểu dáng công nghiệp mang lại, đã và đang diễn ra tình trạng hàng giả, nhái kiểu dáng tương tự các sản phẩm, hàng hóa cùng loại. Do đó đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ giúp bảo vệ chủ sở hữu của chúng trước những hành vi sử dụng trái phép từ phía những chủ thể khác, mang lại lợi ích kinh tế từ việc độc quyền khai thác thương mại đối với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp của mình.
2. Những đối tượng được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Đối tượng được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ cần phải đáp ứng được ba điều kiện: có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp (Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
- Tính mới của kiểu dáng công nghiệp thể hiện ở chỗ: kiểu dáng công nghiệp đó có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên. Sự khác biệt của kiểu dáng công nghiệp được hiểu là có khả năng phân biệt với các kiểu dáng khác cùng loại sản phẩm của những người sản xuất khác nhau. Kiểu dáng công nghiệp phải được tạo ra một cách độc lập hoặc không phải bản sao, bắt chước kiểu dáng đã có.
- Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được đánh giá thông qua cách thức, kỹ thuật để chế tạo kiểu dáng đó không thể được tạo ra bởi người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng.
- Khả năng áp dụng công nghiệp: được xác định bằng việc có thể áp dụng kiểu dáng công nghiệp làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài giống nhau là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Cũng theo Điều 64 Luật Sở hữu tri tuệ 2005 quy định những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp là các đối tượng sau:
- Là hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có: hình dáng của sản phẩm được tạo nên do đặc tính kỹ thuật của chúng. Các đặc điểm của kiểu dáng do đặc tính kỹ thuật kỹ thuật tạo nên có thể được bảo hộ bằng các quyền sở hữu trí tuệ khác (sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hay bí mật thương mại) dựa vào từng trường hợp cụ thể để cân nhắc. Trong thực tế thì có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp có hình dạng giống nhau do để đảm bảo đúng chức năng sử dụng của chúng như quả bóng, hình dạng của ốc vít…
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp: do chúng không đáp ứng được điều kiện sản xuất công nghiệp hàng loạt. Không thể xây dựng công trình tương tự nhau ở khắp nơi được.
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm: dựa theo định nghĩa về kiểu dáng công nghiệp thì nó phải là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, mang tính thẩm mỹ cho nên nếu hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thì không thể bảo hộ. Ví dụ điển hình cho đối tượng này chính là động cơ xe máy. Trong suốt quá trình sử dụng xe, không thể nhìn thấy được động cơ của xe do nó nằm ở bên trong lớp vỏ bên ngoài của xe máy.
Ngoài ra, tại nhiều nước trên thế giới quy định thêm về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp nếu như kiểu dáng chứa biểu tượng hoặc huy hiệu chính thức (quốc huy, quốc kỳ) hoặc kiểu dáng được coi là trái với trật tự công cộng và đạo đức.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về những đối tượng có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Thị Mỹ Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan:
Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định mới nhất
Hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp nhanh chóng
Làm thế nào để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều quốc gia?