KHÁI QUÁT CHUNG VỀ QUYỀN ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU, XÁC LẬP QUYỀN ĐỐI VỚI NHÃN HIỆU
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu của một doanh nghiệp dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh, hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với nhãn hiệu của mình cho những sản phẩm, dịch vụ mà mình sản xuất hoặc cung cấp. Quyền sở hữu đó được thể hiện ở văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu do nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chủ yếu hướng tới quyền tài sản. Quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu nhãn hiệu được thể hiện qua các quyền sau:
- Độc quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm, dịch vụ của mình;
- Quyền chuyển giao quyền sử dụng cũng như chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cho người khác;
- Được quyền cấm bên thứ ba đưa ra thị trường các sản phẩm có nhãn nhãn hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cũng như quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Song song với quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu đã đăng kí của mình. Việc sử dụng nhãn hiệu được thực hiện dưới nhiều hình thức như gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh… Việc khai thác giá trị quyền được thực hiện thông qua hành vi sử dụng nhãn hiệu. Bản thân nhãn hiệu không mang lại giá trị cho chủ sở hữu mà chúng phải được ứng dụng vào trong cuộc sống và phát sinh ra giá trị trong quá trình sử dụng, vận hành và khai thác.
Xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu như thế nào?
Một Doanh nghiệp muốn xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu đối với sản phẩm của mình thì phải đăng ký nhãn hiệu đó với cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật, mà cụ thể là Cục sở hữu trí tuệ.
Hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu
(1) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
(2) 5 mẫu nhãn hiệu theo kích thước được yêu cầu;
(3) Danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
(4) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định nhãn hiệu của Doanh nghiệp có đủ điều kiện để được cấp văn bằng hay không, gồm các bước:
(1) Thẩm định đánh giá tính hợp lệ của đơn (theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn…;
(2) Đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ, thời gian thẩm định hình thức là 1 - 2 tháng kể từ ngày nộp đơn);
(3) Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp (trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ);
(4) Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu (trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công bố đơn);
(5) Cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu cho Doanh nghiệp (nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ tất cả các điều kiện) và công bố quyền sở hữu nhãn hiệu của Doanh nghiệp.
Thời hạn có hiệu lực của văn bằng bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng tinh vi trên thị trường, như làm giả nhãn hiệu, giả kiểu dáng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín và doanh thu của doanh nghiệp, vì vậy bảo vệ uy tín và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững, doanh nghiệp cần phải chú trọng đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa.
Hy vọng những thông tin mà Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam cung cấp trên đây sẽ mang lại giá trị hữu ích cho Quý khách hàng.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
( L.Đ.T.Thủy)