THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG KINH DOANH THƯƠNG MẠI THÔNG QUA TÒA ÁN
Trong kinh doanh thương mại, việc xảy ra các tranh chấp là không thể tránh khỏi. Các bên có thể có nhiều cách để giải quyết nhẹ nhàng thông qua việc thương lượng hoặc hòa giải. Tuy nhiên, có nhiều những tranh chấp căng thẳng đến mức phải đưa ra tòa án mới có thể giải quyết được. Vậy trình tự thủ tục việc giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại ở tòa án như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015
II. Nội dung tư vấn
Pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa về tranh chấp kinh doanh trong thương mại. Tuy nhiên có thể hiểu do hoạt động thương mại là hoạt động kinh doanh của các thương nhân nhằm mục đích sinh lời, nên tranh chấp trong kinh doanh thương mại được hiểu là những tranh chấp liên quan đến lợi ích của các bên trong kinh doanh thương mại.
Trình tự giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại tại tòa án được thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định thẩm quyền giải quyết
- Xác định thẩm quyền giải quyết theo vụ việc: Theo quy định tại điều 30 BLTTDS 2015 thì tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại.
- Xác định thẩm quyền giải quyết theo cấp xét xử: Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp trong kinh doanh thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và có mục đích lợi nhuận. Còn đối với các vụ việc còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra, những tranh chấp, yêu cầu mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Xác định thẩm quyền theo lãnh thổ:
+ Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định.
+ Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động theo quy định.
+ Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện
- Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
+ Đơn khởi kiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại.
+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại.
Bước 3: Tòa án giải quyết vụ án trong kinh doanh thương mại
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định.
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
+ Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc phân công phải đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.
Bước 4: Xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử tùy theo tính chất vụ việc mà có thể kéo dài từ 02 – 04 tháng. Và trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về trình tự giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại tại tòa án. Để nắm rõ các vấn đề liên quan tới việc giải quyết tranh chấp, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Tuấn Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết có liên quan: