CÁCH THỨC CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Trong nền kinh tế ngày càng hội nhập và phát triển như ngày nay, việc chuyển nhượng, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp rất sôi động. Bên cạnh việc mua bán hàng hóa vốn đã quá quen thuộc, diễn ra một loại hình chuyển nhượng khá đặc biệt – chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích). Việc chuyển nhượng này đều mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp đôi bên. Vậy cách thức chuyển nhượng quyền công nghiệp diễn ra thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung các năm 2009 và 2019
- Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn thi hành Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
- Thông tư 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010 và Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011.
- Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định về phí lệ phí sở hữu công nghiệp.
II. Nội dung tư vấn
1. Khái quát về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Định nghĩa về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, bên chuyển giao sẽ chấm dứt quyền sở hữu đối với đối tượng và bên nhận chuyển giao xác lập quyền sở hữu của mình đối với đối tượng được chuyển giao.
Đối tượng thường được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp. Bên cạnh đó thì chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và nhãn hiệu là những trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng (quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Theo đó, không cho phép chuyển nhượng quyền đối với chỉ dẫn địa lý.
Việc chuyển nhượng tên thương mại phải đi cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó và việc chuyển nhượng này không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
2. Hình thức hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Theo Khoản 2 Điều 138 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành dưới hình thức văn bản. Các bên trong mối quan hệ chuyển nhượng cần đàm phán, thỏa thuận, thống nhất về nội dung trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và trình bày bằng văn bản.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đảm bảo cần có các nội dung sau: tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; căn cứ chuyển nhượng; giá chuyển nhượng; quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
3. Hồ sơ đăng ký chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp chỉ có hiệu lực khi được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý về quyền sở hữu công nghiệp.
Sau khi các bên đã thỏa thuận và lập văn bản hợp đồng chuyển nhượng thì cần chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp.
Các bên nộp hồ sơ tại:
- Cục Sở hữu trí tuệ
- Văn phòng đại diện của Cục tại Đà Nẵng hoặc TP. Hồ Chí Minh
Thành phần hồ sơ cần nộp phải có:
- Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện).
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí
- Tờ khai theo mẫu.
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được chứng thực theo quy định).
- Bản gốc văn bằng bảo hộ.
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung.
- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
3. Các chú ý khi tiến hành chuyển nhượng
Khi tiến hành chuyển nhượng cần chú ý đến:
- Phạm vi quyền sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ: theo đó chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ được ghi trên văn bằng bảo hộ.
- Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
- Hình thức và nội dung cần có trong hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
- Việc lập hồ sơ để nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, theo dõi, chú ý đến các thông báo trong quá trình xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ, bổ sung kịp thời, cần thiết những nội dung được yêu cầu.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Trần Thị Mỹ Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan:
Làm thế nào để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều quốc gia?
Những lưu ý đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp
Những lưu ý đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp