TƯ VẤN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
TƯ VẤN VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
Trao đổi hàng hóa là một nhu cầu tất yếu trong bất kỳ nền sản xuất nào, đặc biệt là trong nền sản xuất hàng hóa ngày nay. Các bên khi trao đổi hàng hóa thường sử dụng hợp đồng mua bán tài sản để thỏa thuận, là căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi có tranh chấp xảy ra. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ làm rõ những quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản trong nội dung bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015.
II. Nội dung tư vấn
1. Hợp đồng mua bán tài sản là gì?
Theo điều 430 BLDS 2015, hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.
2. Đối tượng hợp đồng mua bán tài sản
Có thể lập hợp đồng mua bán tài sản với vật, quyền tài sản, với điều kiện tài sản đó phải được phép giao dịch. Nếu tài sản là vật thì vật đó phải được xác định rõ (vật gì; trọng lượng; khối lượng; số lượng). Nếu là quyền tài sản, thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh. Ngoài ra, theo quy định của các văn bản pháp luật khác thì đối tượng của hợp đồng mua bán còn có thể là các tài sản hình thành trong tương lai. Trong trường hợp này, bên bán phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu chứng cứ để có thể xác định được tài sản đó và chứng minh tài sản sẽ chắc chắn được hình thành trong tương lai, khi hình thành, chắc chắn tài sản đó thuộc quyền sở hữu của mình.
3. Chất lượng của tài sản mua bán
Được xác định trong hợp đồng. Trường hợp chất lượng đã được công bố (trên bao bì sản phẩm hoặc theo các phương thức khác) hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì chất lượng của vật được xác định theo các tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu tài sản mua bán là hàng hóa cùng loại nhưng chất lượng chưa được thể hiện trên bao bì sản phẩm và cũng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì các bên cùng nhau thỏa thuận về chất lượng của vật mua bán thông qua việc đánh giá loại sản phẩm hoặc bằng biện pháp hàng mẫu giao trước. Nếu các bên không có thỏa thuận về chất lượng và pháp luật cũng không có quy định, thì chất lượng được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại.
4. Giá và phương thức thanh toán
Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.
5. Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản
Hình thức của hợp đồng mua bán tài sản có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định.
Nếu đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì hình thức của hợp đồng mua bán phải bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực ( mua bán nhà ở, xe cơ giới,..)
Hình thức của hợp đồng mua bán là căn cứ để xác định người bán và người mua đã tham gia vào hợp đồng mua bán, từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng; xác định trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng.
6. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán
Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thỏa thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thỏa thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.
Khi các bên không thỏa thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.
Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
7. Địa điểm và phương thức giao tài sản
Địa điểm giao tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo Địa điểm thực hiện nghĩa vụ như sau:
– Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ là bất động sản;
– Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ không phải là bất động sản.
Tài sản được giao theo phương thức do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì tài sản do bên bán giao một lần và trực tiếp cho bên mua.
Trường hợp theo thỏa thuận, bên bán giao tài sản cho bên mua thành nhiều lần mà bên bán thực hiện không đúng nghĩa vụ ở một lần nhất định thì bên mua có thể hủy bỏ phần hợp đồng liên quan đến lần vi phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về hợp đồng mua bán tai sản. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Đạt)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Giải quyết tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản
- Tư vấn về hợp đồng thuê tài sản
- Tư vấn về trả tiền thuê khoán và phương thức trả