ĐIỀU KHOẢN LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM
Về nguyên tắc, trong quan hệ bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đã được các bên thống nhất, thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho bên thụ hưởng. Tuy nhiên, pháp luật đã ghi nhận một số trường hợp doanh nghiệp được phép từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, đó là các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Như vậy, điều khoản loại trừ trách nhiệm là gì? Được quy định cụ thể ra sao? Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc trên.
1. Thế nào là điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm?
Loại trừ bảo hiểm là việc loại trừ những trường hợp, sự kiện, sự cố mang tính chất chủ quan như vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết, ... thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thường là những loại trừ về những rủi ro mang tính thảm hoạ lớn, những rủi ro chỉ được bảo hiểm trong điều kiện đặc biệt, những sự kiện sự cố mang tính chất chủ quản vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm còn là điều khoản thu hẹp phạm vi bảo hiểm hay nói một cách khác là giảm bớt trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm nếu xảy ra những quy định được loại trừ này.
Điều khoản loại trừ là yếu tố không thể thiếu trong một hợp đồng bảo hiểm, mục đích chính là để đảm bảo nguyên tắc công bằng và chính trực, phòng tránh các trường hợp cố tình trục lợi bảo hiểm, và đảm bảo chi phí khách hàng phải trả để được bảo vệ trong hợp đồng bảo hiểm ở mức độ chấp nhận được, cân bằng giữa quyền lợi của khách hàng và của doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Quy định của pháp luật về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi bổ sung năm 2010 có quy định về Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm như sau:
“1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp Luật do vô ý;
b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.”
Như vậy, theo quy định trên thì có thể hiểu quy định này đem lại quyền lợi rất lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên việc quy định này không có nghĩa là nó đem lại bất lợi cho người mua bảo hiểm. Bởi vì nếu bên mua bảo hiểm làm theo đúng nội dung hợp pháp của hợp đồng bảo hiểm thì bên mua hoàn toàn có quyền được hưởng những lợi ích mà nó đem lại. Trong trường hợp nếu bên mua lợi dụng những lợi ích được hưởng từ bảo hiểm nhằm trục lợi cho cá nhân bên mua làm phương hại tới lợi ích bên bán thì đương nhiên bên mua phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình trước pháp luật và điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm có thể được áp dụng tùy vào từng trường hợp.
Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010 quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền bảo hiểm như sau:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
2. Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.”
3. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định ở đâu?
Cách thể hiện loại trừ bảo hiểm của một sản phẩm bảo hiểm trong quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm hoặc trong hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm các hình thức sau đây:
Thứ nhất, tách riêng thành một điều khoản loại trừ bảo hiểm, bao gồm:
- Điều khoản loại trừ chung: được áp dụng chung cho tất cả cá điều kiện bảo hiểm ghi trong quy tắc hoặc hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ trong bảo hiểm sức khỏe có điều khoản loại trừ chung có cả các điều khoản bảo hiểm tử vong, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm ốm đau hoặc trong bảo hiểm vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu có điều khoản loại trừ chung cho tất cả các điều kiện bảo hiểm A, điều kiện bảo hiểm B, điều kiện bảo hiểm C.
- Điều khoản loại trừ riêng cho từng điều kiện bảo hiểm riêng biệt. Ví dụ loại trừ riêng cho điều khoản bảo hiểm ốm đau hoặc loại trừ riêng cho bảo hiểm theo điều khoản bảo hiểm B hay C vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ hai, nội dung loại trừ bảo hiểm còn thể hiện trong các điều khoản điều kiện bảo hiểm ghi trong quy tắc hoặc hợp đồng bảo hiểm:
Ví dụ: không thông báo tai nạn tổn thất xảy ra cho doanh nghiệp bảo hiểm được biết trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện trên trừ trường hợp người được bảo hiểm có lý do bất khả kháng về không biết được thời gian xảy ra sự kiện bảo hiểm và khi biết đã báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm. Hoặc bảo hiểm bão lốc không bảo hiểm thiệt hại cho nước mưa tràn vào theo các đường lộ sẵn có trừ khi đường lỗ này do chính bão lốc tạo ra.
Như vậy, khi quyết định tham gia hợp đồng bảo hiểm, người mua bảo hiểm phải tìm hiểu thật rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này, trong đó có quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Từ đó, có cơ sở để thực hiện đầy đủ, chính xác các nghĩa vụ của mình, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đặc biệt là được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả đầy đủ số tiền bảo hiểm cho đối tượng thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí về hợp đồng nói chung và hợp đồng bảo hiểm nói riêng. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo thêm:
Nghĩa vụ khai báo trung thực khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
4 điều quan trọng cần lưu ý khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Thực hiện chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của tàu biển
Nguyễn Thị Thùy Dung.