HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
1. Đặc điểm của hợp đồng gửi giữ tài sản
- Chuyển giao tài sản, nhưng không nhằm mục đích sử dụng khai thác
- Hoàn trả chính tài sản nhận gửi giữ
- Bên nhận tài sản không bao giờ là chủ sở hữu nên về nguyên tắc không được định đoạt tài sản nhận gửi giữ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác
- Hợp đồng gửi giữ không nhất thiết phải có thù lao.
2. Chủ thể của hợp đồng gửi giữ tài sản
Gồm hai bên:
+ Bên gửi tài sản: Thông thường là chủ sở hữu tài sản, tuy nhiên BLDS không quy định rõ trường hợp này nên người gửi giữ không nhất thiết phải là chủ sở hữu.
+ Bên nhận gửi giữ: Thông thường người nhận chỉ là một nhân viên dưới sự điều hành của một người nào đó. Trong trường hợp này phải lưu ý không phải con người thực tế đó là bên nhận gửi giữ mà bên tổ chức gửi giữ mới là bên nhận gửi giữ.
3. Đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng gửi giữ tài sản là tài sản được tự do lưu thông. Đối tượng của hợp đồng gửi giữ có thể là động sản hoặc bất động sản
4. Hình thức của hợp đồng
Bộ Luật dân sự 2015 không quy định về hình thức do đó hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng, văn bản tùy vào thỏa thuận do xác lập giữa hai bên.
5. Quyền và nghĩa vụ của các bên
5. 1. Bên gửi tài sản
- Nghĩa vụ của bên gửi tài sản:
+ Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
+ Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận.
- Quyền của bên gửi tài sản:
+ Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
5.2. Bên giữ tài sản
- Nghĩa vụ của bên giữ tài sản:
+ Bảo quản tài sản theo đúng thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
+ Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.
+ Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
+ Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
- Quyền của bên giữ tài sản:
+ Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thoả thuận.
+ Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.
+ Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.
+ Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về những vấn đề pháp lí hợp đồng gửi giữ tài sản. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Nhung Nguyễn