CHỦ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CÓ ĐƯỢC PHÉP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÌ KINH TẾ KHÓ KHĂN
Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, có không ít các doanh nghiệp đang đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, không có khả năng duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và trả lương cho người lao động. Vậy trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động có được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động hay không. Công ty luật TNHH THC Việt Nam sẽ giải đáp vấn đề này trong bài viết sau đây.
I. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Lao động năm 2019.
II. Nội dung tư vấn:
1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người sử dụng lao động do kinh tế khó khăn
Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do là: “Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”
Như vậy với lý do là kinh tế khó khăn người sử dụng lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động nếu chủ doanh nghiệp đã tìm mọi cách khắc phục mà vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ vì lý do kinh tế:
Căn cứ vào Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2019
- Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.
- Trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
- Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
- Việc cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Ngoài ra, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động còn phải thông báo cho người lao động trong thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó thời hạn thông báo là:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp người lao động ốm đau, tai nạn đang điều trị
- Quy định khác đối với một số ngành nghề đặc thù
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề chủ lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì kinh tế khó khăn. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất
(Nguyễn Hoàng Yến Chi)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
- Cách xử lý hợp đồng lao động vô hiệu