CÁC YÊU CẦU PHÁP LÝ CẦN ĐẶT RA VỀ ĐIỀU KIỆN TRONG HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN
Tặng cho tài sản là một giao dịch dân sự khá phổ biến trên thực tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ hết về các vấn đề pháp lý liên quan đến giao dịch dân sự này. Vì vậy, để hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý của việc tặng cho tài sản. Hãy tham khảo bài tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.
1. Điều kiện tặng cho phải được xác định.
Khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho.”. Theo quy định này, trước hết, điều kiện tặng cho được hiểu là một hoặc nhiều nghĩa vụ, do đó, điều kiện tặng cho phải thỏa mãn các yêu cầu của nghĩa vụ nói chung.
Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Như vậy, đối tượng của nghĩa vụ chính là tài sản và công việc (bao gồm công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện). Theo quy định tại khoản 2 Điều 276 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “đối tượng của nghĩa vụ phải được xác định”.
2. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Nhằm tránh sự lạm quyền của bên tặng cho tài sản cũng như loại bỏ các thỏa thuận bất hợp pháp, khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ: “Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều kiện tặng cho là một nội dung trong hợp đồng tặng cho, bởi vậy, việc ghi nhận yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: “... nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
3. Điều kiện tặng cho không được mang lại lợi ích vật chất một cách tương xứng cho bên tặng cho tài sản.
Trong toàn bộ quy định của Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhà làm luật mới chỉ ghi nhận duy nhất yêu cầu là điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Chính bởi sự sơ sài, thiếu hụt của pháp luật mà dẫn tới trên thực tế phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến điều kiện tặng cho không được giải quyết.
4. Điều kiện tặng cho phải có khả năng thực hiện được.
Bên tặng cho có thể đưa ra điều kiện về việc chuyển giao tài sản hay thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc. Vấn đề đặt ra là, Điều 462 Bộ luật Dân sự năm 2015 chưa dự liệu đến khả năng thực hiện được của điều kiện tặng cho. Nếu trong trường hợp, bên tặng cho đưa ra một điều kiện không thể thực hiện được trên thực tế thì điều kiện này có được thừa nhận hay không?
Trước đây, khoản 3 Điều 282 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã ghi nhận về vấn đề này: “Chỉ những tài sản có thể giao dịch được, những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của nghĩa vụ dân sự”. Điều luật này đã quy định rất rõ “công việc có thể thực hiện được” mới trở thành đối tượng của nghĩa vụ. Tuy nhiên, Điều 276 Bộ luật Dân sự năm 2015 không tái ghi nhận điều kiện này.
Thực chất, tặng cho tài sản là hợp đồng, do vậy, điều kiện tặng cho cũng phải được sự đồng ý của bên được tặng cho. Do đó, với những điều kiện mang tính chất “phi lý” thì bên được tặng cho hoàn toàn có thể từ chối thực hiện nên không hình thành quan hệ tặng cho giữa bên tặng cho và bên được tặng cho. Do đó, việc ghi nhận yêu cầu điều kiện tặng cho có thể thực hiện được trong Bộ luật Dân sự là không cần thiết.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam về các yêu cầu pháp lý cần đặt ra về điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam rất hân hạnh được đồng hành cùng quý khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lí. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Lê Thị Nguyệt Hà