Vụ xả súng tranh giành đất: Bị cáo Đặng Văn Hiến vẫn còn cơ hội thoát án tử hình
Vụ xả súng tranh giành đất: Bị cáo Đặng Văn Hiến vẫn còn cơ hội thoát án tử hình
(Theo Báo điện thử Infonet ngày 05/01/2018) - Về bản án tử hình dành cho bị cáo Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, bị cáo vẫn còn cơ hội được sống.
1. Ngày 3/1, VKSND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị mức án tử hình với bị cáo Đặng Văn Hiến - người nổ súng trong vụ tranh chấp đất khiến 3 người chết, 13 người bị thương. Sau đề nghị này, dư luận cho rằng cho rằng việc tuyên phạt Đặng Văn Hiến mức án tử hình là không thỏa đáng, quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Vụ tuyên án tử hình Đặng Văn Hiến vừa qua cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm bởi những băn khoăn, hoài nghi do người dân không hiểu biết pháp luật hay do pháp luật về đất đai quá rối ren, không xử lý dứt khoát được tranh chấp cho người dân nên họ phải tự bảo vệ chính mảnh đất mình đang canh tác để bảo vệ cuộc sống của mình.
Trên quan điểm của một người hành nghề luật, tôi cảm thấy rất đau lòng trước bản án mà Đặng Văn Hiến phải nhận. Phải chăng nếu không có sự hoạt động của Công ty TNHH Đầu tư - Thương mại Long Sơn thì bị cáo Hiến ở Đắk Nông vẫn còn nhiều cơ hội để sống tử tế mà không vướng vào con đường tội phạm. Việc Công ty Long Sơn xuất hiện không thấy có dấu hiệu của việc bồi thường đất cho người dân ổn định lại cuộc sống, lấy vốn làm ăn mà chỉ dựa vào quyết định giao đất của UBND để giành giật với dân, vì lợi ích của doanh nghiệp mà quên mất rằng người dân cũng phải sống, phải lao động để tồn tại.
Sự việc diễn ra nhiều năm, chính quyền giải quyết không đến nơi đến chốn dẫn đến đỉnh điểm là Công ty Long Sơn cho người bao vây nhà, san ủi vườn cây của bị cáo Hiến. Khi Hiến cầm súng ra để ngăn cản thì bị người của Công ty chặn lại. Hiến đã bắn chỉ thiên nhưng người của Long Sơn không lùi ra mà dùng đá ném về phía bị cáo. Kết quả thật đau thương khi 3 người phải chết. Nạn nhân là người của phía Công ty Long Sơn - đây cũng những con người làm công ăn lương vất vả mà phải đánh đổi cả tính mạng của mình để thu lại được gì.
Theo quan điểm của tôi, TAND tỉnh Đắk Nông chiều 3/1 đã tuyên án vụ nổ súng do tranh chấp đất khiến 3 HĐXX đã tuyên một bản án quá nghiêm khắc đối với Đặng Văn Hiến và chưa áp dụng được các tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể, trong vụ án này, bị cáo Hiến có tới 4 tình tiết cần được xem xét giảm nhẹ gồm: Bị cáo Hiến gây án trong lúc tinh thần bị kích động mạnh; đã khắc phục bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân; đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo tại tòa; tự nguyện ra đầu thú.
Tuy nhiên, việc tuyên tử hình bị cáo Hiến mới là bản án sở thẩm TAND tỉnh Đắk Nông. Bị cáo vẫn còn cơ hội được sống, được gặp mặt người thân của mình nếu Hội đồng xét xử cấp trên nhìn nhận ở một góc độ khác.
Tôi đồng ý với việc giết người phải chịu hình phạt, nhưng đối với hành vi đó mà loại bỏ Hiến ra khỏi đời sống thì vẫn không thể nào giải quyết được vấn đề tranh chấp đất đai tồn tại trong nhiều năm qua. Liệu với bản án đã tuyên cho Hiến thì các doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền có thể rút ra được kinh nghiệm cho chính bản thân mình đối với những dự án giao đất để đầu tư trong tương lai hay không; Sẽ giáo dục được bao nhiêu người dân không rơi vào con đường tội phạm khi bảo vệ chính mảnh đất mà mình canh tác gắn bó nhiều năm trời mà không được một đồng bồi thường từ doanh nghiệp.
2. Căn cứ vào hồ sơ cáo trạng, ông có cho rằng việc nổ súng của Hiến là cách "tự vệ chính đáng" không, giống như kiểu đánh trộm vào nhà...?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Đất đai, rừng núi là tài nguyên đặc biệt, là tư liệu sản xuất đặc biệt. Tài nguyên đất thì không chỉ mang tính chất kinh tế, pháp lý mà còn có ý nghĩa lịch sử, tinh thần. Việc cấp đất rừng cho các doanh nghiệp, vì thế, có thể gây phản ứng cho dù nó được cấp đúng luật chăng nữa. Huống là trên đó đã có mồ hôi khai khẩn và rời đất ra, người nông dân không còn đường sống. Dẫu cho đó là đất lấn chiếm thì cũng không thể không đặt ra câu hỏi người dân sẽ sống bằng gì khi không còn đất nữa, khi bị ủi nhổ đi những gốc điều cuối cùng…
Ở một góc độ nào đó cũng chỉ là nạn nhân bị đẩy đến bước đường cùng lưu manh hoá.
3. Vậy cơ quan tố tụng trước khi tuyên án có cần phải xem xét chính xác nguồn gốc đất mà gia đình ông Hiến canh tác hay không? Nếu đây là đất mà gia đình ông Hiến "nhảy dù" hoặc thuê lại của Cty Long Sơn thì tội danh của ông Hiến sẽ ở mức độ nào?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Chúng tôi cho rằng cần phải làm rõ nguồn gốc đất mà gia đình ông Hiến đang canh tác vì nó ảnh hưởng đến động cơ phạm tội của ông Hiến. Nhìn qua rất nhiều vụ án đã xảy ra trong lĩnh vực đất đai (ví dụ như vụ Đoàn Văn Vươn, vụ xã Đồng Tâm... và vụ của Đặng Văn Hiến) để thấy đấy không chỉ là những "điểm nóng" đơn thuần ở việc bồi thường giải tỏa, tái định cư... Thế nên cũng cần làm rõ ràng để người dân không oán than, phẫn nộ, họ sẽ không bị mù quáng mà thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu vụ án của ông Đặng Văn Hiến, chúng tôi thấy việc áp dụng mức án tử hình đối với ông Hiến là quá nặng. Khi xem xét tới những tình tiết trong vụ án và hoàn cảnh gia đình thì ông Hiến có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điểm r, s khoản 1 và khoản 2 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 mới có hiệu lực 1/1/2018 quy định về những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn, hối cải (...)
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Việc Hiến "giết nhiều người và có tính chất côn đồ" thì phải chịu hình phạt của pháp luật nhưng liệu án tử hình đối với Hiến phải chăng là một mức án quá nặng cho một người nông dân chân chất. Cũng chỉ vì bức xúc trước những hành vi của chính quyền nhà nước mới dẫn đến hành vi phạm tội như thế. Liệu rằng, án tử Hiến sẽ làm thức tỉnh được bao nhiêu người, hay làm tăng thêm sự phẫn nộ của những người dân yếu thế trong xã hội.
4. Có ý kiến cho rằng, bản ánh dành cho 2 lãnh đạo Công ty không thỏa đáng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Theo bản án tuyên ngày 3/1/2018 của TAND tỉnh Đắk Nông tuyên 2 lãnh đạo công ty là bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu – Phó Giám đốc Công ty 6 năm tù, bị cáo Phạm Công Thiện – trưởng quản lý công ty Long Sơn 4 năm tù về tội “hủy hoại tài sản hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản”.
Tuy nhiên, trong vụ án tranh chấp đất rừng này, phía Công ty Long Sơn là nguyên nhân chính gây ra thảm cảnh này. Công ty Long Sơn đã có sai phạm nghiêm trọng khi nhiều lần tự ý tổ chức cưỡng chế, hủy hoại cây trồng là miếng cơm manh áo của bà con nông dân. Chính vì thế, việc chỉ xét xử Phó giám đốc Công ty Long Sơn và Trưởng quản lý công ty tội hủy hoại tài sản là chưa thỏa đáng, chưa cho thấy ý nghĩa trừng trị, răn đe của pháp luật, do đó cần phải xem xét đầy đủ các khía cạnh xoay quanh hành vi tổ chức cưỡng chế trái phép của bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phạm Công Thiện để xử lý một cách nghiêm minh.
Các doanh nghiệp, công ty được giao đất giao rừng nếu có diện tích bị người dân lấn chiếm cần phải có báo cáo để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, tuyệt đối không đưa "luật rừng" ra xử.
Được biết, UBND huyện Tuy Đức đã đình chỉ việc cưỡng chế nhưng Công ty Long Sơn vẫn có dự định tiếp tục thực hiện việc giải tỏa khi chưa có ý kiến chỉ đạo của các cấp. Do đó, phía công ty Long Sơn vẫn một mực vẫn tổ chức cưỡng chế cây cối xâm canh của những hộ dân xung quanh. Có thể thấy, đây chính là hành vi coi thường pháp luật, cần phải nhìn nhận lại bản án dành cho 2 bị cáo này để tội phạm được trừng trị thích đáng.
N. Huyền
Nguồn: http://infonet.vn/vu-xa-sung-tranh-gianh-dat-bi-ca...