VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA ĐỐI VỚI BỊ CÁO TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA ĐỐI VỚI BỊ CÁO TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
Người xưa đã nói: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, nghĩa là “Một ngày tù bằng nghìn năm ở ngoài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tập thơ “Nhật ký trong tù” đã viết: “Đau khổ chi bằng mất tự do”. Trong vụ án hình sự, nghi can phải đối diện với thực trạng bị hạn chế quyền tự do. Do đó, khi bị tạm giữ, tạm giam nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Vì vậy, luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự không chỉ giúp đỡ nghi can về mặt pháp lý mà còn giúp đỡ, động viên tinh thần giúp nghi can vượt qua khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên những thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên lại thường khuyên người khác từ chối luật sư. Vậy Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ cho bạn thấy những vai trò quan trong của luật sư bào chữa đối với bị cáo trong các vụ án hình sự trong bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
II. Nội dung tư vấn
Luật pháp cho phép luật sư được tham gia bào chữa ngay từ giai đoạn tạm giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, điều tra vụ án nên trong nhiều trường hợp, luật sư là cầu nối trao đổi thông tin giữa người thân và nghi can trong phạm vi pháp luật cho phép, vì tại giai đoạn này cơ quan điều tra thường không cho phép nghi can tiếp xúc với người thân. Vậy luật sư được tham gia bắt đầu từ giai đoạn của vụ án là:
- Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, tại giai đoạn này luật sư tham gia với tên gọi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
- Luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Theo quy định tại Điều 73 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong giai đoạn này, luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa.
Với các quy định trên, chúng ta thấy Luật sư với vai trò đại diện cho bị can, bị cáo có quyền bào chữa, quyền gỡ tội, thay mặt cho bị can, bị báo đưa ra những lý lẽ chứng minh những yếu tố làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đồng thời, khi tham gia tố tụng luật sư còn cung cấp bổ sung chứng cứ (gỡ tội) cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong hoạt động tố tụng, luật sư có chức năng gỡ tội cho bị can, bị cáo luôn đối lập với chức năng buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng về mặt ý nghĩa pháp lý lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan công bằng, đúng pháp luật, tránh cách nhìn phiến diện một chiều luôn buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc quy định bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết qủa kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết qủa tranh tụng tại phiên tòa”.
Luật sư khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa có quyền bình đẳng với cơ quan tiến hành tố tụng khác, đưa ra chứng cứ, lý lẽ, suy đoán có cơ sở pháp lý, đúng pháp luật làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự, nhằm giảm nhẹ hình phạt hoặc gỡ tội cho bị can, bị cáo. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là trung tâm đánh giá chứng cứ, đối chất giữa những người tham gia tố tụng một cách công bằng, dân chủ, đó cũng là nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về ghi nhận và “bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo”. Vai trò của luật sư dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo, luật sư là người tham gia tố tụng, có vai trò thực hiện chức năng bào chữa cho bị can, bị cáo góp phần giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, không làm oan, sai cho người vô tội.
Có thể khẳng định rằng, vai trò của luật sư được thể hiện rõ nét nhất thông qua việc tranh tụng tại phiên tòa. Điều này đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng, không còn định kiến như quan niệm trước đây là “án tại hồ sơ”, mọi kết luận đều dựa trên hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định sự thật của vụ án được quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.
(Quách Phương)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Tham khảo bài viết liên quan:
Quy trình thực hiện của luật sư bào chữa vụ án hình sự