TƯ VẤN VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
TƯ VẤN VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật hình sự, đúc kết từ rất nhiều vụ việc khách hàng mỗi năm. Chúng tôi mong muốn góp phần tuyên truyền hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật hình sự để người dân hiểu và kịp thời dừng lại trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số quy định của pháp luật liên quan tới Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo quy định của pháp luật hiện hành:
I. Thế nào là giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng trái pháp luật của người khác trong trạng thái người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kìm chế được hành vi phạm tội của mình do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người đó.
II. Dấu hiệu pháp lý của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Mặt khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người, đối tượng tác động của tội phạm là con người
Mặt khách quan: Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi của một người không tự kìm chế được mình trước hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính mình hoặc đối với người thân thích của mình nên đã giết chết nạn nhân.
Là hành vi giết người - tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật, thông qua những hành động như: đâm, chém, đánh, đạp,…
Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh bị ức chế tâm lý ở mức độ cao khó có đủ bình tĩnh để lựa chọn để suy xét về hành động của mình. Người phạm tội thực hiện việc giết người ngay trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Hành vi trái pháp luật của người bị hại là yếu tố bắt buộc của loại tội này
Đối với người bị giết phải là người có hành vi phạm tội nghiêm trọng:
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân, trước hết bao gồm nhưng hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội , nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp v.v...
Việc xác định một hành vi trái pháp luật của nạn nhân đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng.
Nạn nhân phải bị chết thì người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân mới cấu thành tội "giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh".
Như vậy, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, vì không thể xác định được mục đích của người phạm tội khi người đó trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà chỉ có thể xác định người phạm tội bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là nguyên nhân dẫn tới trạng thái tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội:
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động mạnh là mối quan hệ tất yếu nội tại có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì không có tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội và vì thế nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây ra cho người thân thích của người phạm tội:
Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội goại đối với các cháu v.v…
Mặt chủ quan: Hành vi phạm tội của người phạm tội là lỗi cố ý.
Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
III. Hình phạt áp dụng với tội giết trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh người theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy tại Điều 125 của Bộ luật Hình sư, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể bị áp dụng hình phạt như sau:
“1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
IV. Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:
Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;
Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;
Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.
(Mai Hương)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------