TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI
Lần đầu tiên pháp luật hình sự nước ta quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm nhưng cũng chỉ xử lý đối với một số hành vi phạm tội. Vậy Bộ luật hình sự 2015 đã quy định như thế nào về vấn đề pháp nhân thương mại phạm tội?
Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
TNHS của PNTM là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà PNTM phải gánh chịu trước nhà nước, do pháp nhân đó thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những hành vi này được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự.
Đây là nội dung mới và quan trọng, làm thay đổi cơ bản chính sách hình sự truyền thống, trước đó Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 không có quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân.
Có thể thấy TNHS của pháp nhân thương mại được quy định bổ sung trong BLHS năm 2015 được hình thành trên cơ sở đánh giá tình hình, điều kiện mới, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm. Điều này đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh, xử lý tội phạm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở TNHS: “Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Có thể xem đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự nước ta quy định cơ sở TNHS đối với pháp nhân thương mại và cũng là quy định mang tính tiền đề, nền tảng cho những quy định khác về TNHS đối với pháp nhân trong BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, hiểu một cách đầy đủ và chính xác nội hàm của pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 chỉ đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế. Còn những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân (cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác… theo quy định tại các Điều 74, Điều 75, Điều 76, Bộ luật Dân sự năm 2015) thì không phải là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ngay cả pháp nhân kinh tế cũng chỉ có pháp nhân gắn với hoạt động thương mại mới chịu TNHS.
Như vậy, quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại là phù hợp với thực tiễn nhằm tạo tính răn đe cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phòng, chống các loại tội phạm mà chủ thể là pháp nhân vì lợi nhuận gây hại đến môi trường, kinh tế và các lĩnh vực khác.
Chế tài tập trung vào hoạt động kinh tế
Tại Chương VI của BLHS năm 2015, lần đầu tiên hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định, bao gồm hai loại hình phạt là hình phạt chính (khoản 1 Điều 33) và hình phạt bổ sung (khoản 2 Điều 33).
Cụ thể, hình phạt chính bao gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Về các tội phạm cụ thể, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự với 33 tội. Trong đó 22 tội thuộc nhóm các tội phạm về kinh tế, 9 tội thuộc nhóm các tội phạm về môi trường và 2 tội danh thuộc các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Luật cũng quy định: Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân là đã chế tài mạnh vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân là hoạt động vì lợi nhuận, đây là mặt trực tiếp và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân.
Bên cạnh những quy định có tính răn đe, để đảm bảo quyền lợi cho pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại có hành vi vi phạm là: “Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra” (khoản 2, Điều 3).
Nhìn chung, các tội danh đối với pháp nhân thương mại được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua đối với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại với xã hội do pháp nhân gây ra. Với 33 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tương đối bao quát, đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân trong thực tiễn hiện nay.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
(Oanh.)