PHẠM TỘI TRONG TÌNH THẾ CẤP THIẾT CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta không thể tránh khỏi việc rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt, buộc chúng ta phải có hành động gây thiệt hại đến lợi ích cá nhân, lợi ích của Nhà nước hoặc của xã hội để bảo vệ một lợi ích lớn hơn. Tình huống này còn được gọi là tình thế cấp thiết. Vậy hành động trong tình thế cấp thiết gây thiệt hại có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
I. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015
II. Nội dung tư vấn
1. Thế nào là tình thế cấp thiết
Theo Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015, tình thế cấp thiết là “tình thế của người vì nuốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.
Nguồn nguy hiểm trong tình thế cấp thiết có thể do con người, do súc vật hoặc tự nhiên. Thiệt hại phát sinh do hành động trong tình thế cấp thiết chủ yếu là thiệt hại về tài sản.
2. Phạm tội trong tình thế cấp thiết và trách nhiệm hình sự
Các hành động trong tình thế cấp thiết đều là những hành vi gây thiệt hại đáng kể cho khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Nếu giả sử không có tình huống cấp thiết đó thì đương nhiên hành vi gây thiệt hại này có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Khoản 1 Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Hay nói cách khác, tình thế cấp thiết được xem là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Nhưng như vậy không có nghĩa mọi hành vi do không còn lựa chọn nào khác mà phải gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước để ngăn ngữa thiệt hại cho quyền lợi của mình, của Nhà nước, của xã hội đều được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết mà phải dựa trên các điều kiện sau:
Thứ nhất, phải có sự đe doạ đối thực tế với lợi ích được pháp luật bảo vệ.
Trong tình thế cấp thiết, sự nguy hiểm phải chứa đựng khả năng gây hậu quả ngay tức khắc trong thực tế, không phải là do người gây thiệt hại tưởng tượng hay suy đoán. Nếu sự nguy hiểm chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không được coi là tình thế cấp thiết. Đây được coi như điều kiện tiên quyết, là cơ sở phát sinh quyền hành động trong tình thế cấp thiết.
Thứ hai, việc gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để ngăn ngừa sự nguy hiểm.
Có nghĩa rằng, trong tình thế đó, chúng ta không còn biện pháp nào hiệu quả hơn biện pháp gây ra thiệt hại khác. Nếu thực tế chứng minh sự tồn tại của các biện pháp khắc phục sự đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của thì biện pháp gây thiệt hại không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Như vậy, đòi hỏi người hành động trong tình thế cấp thiết phải đánh giá được hoàn cảnh, điều kiện khách quan của tình huống.
Thứ ba, thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Trong thực tế rất khó để đánh giá sự chênh lệch giữa thiệt hại phát sinh do hành động trong tình thế cấp thiết với thiệt hại cần ngăn ngừa. Cần phải cân nhắc đến các yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh thực tế của sự việc, tầm quan trọng của lợi ích đang bị đe dọa, khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không có sự ngăn chặn kịp thời, khả năng xử lý của người gặp phải sự nguy hiểm trong tình thế cấp thiết,… Nếu thiệt hại trong tình thế cấp thiết là quá đáng thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình thế cấp thiết thì không coi là tội phạm hay nói cách khác là không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về phạm tội trong tình thế cấp thiết. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Ngát)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan: