NGƯỜI BỊ BỆNH TÂM THẦN PHẠM TỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ?
Trách nhiệm hình sự là điều kiện quan trọng và cần thiết để xác định một người có lỗi hay không khi thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi có năng lực trách nhiệm hình sự thì mới có thể là chủ thể của tội phạm. Một người với tâm sinh lý phát triển bình thường, khi đạt độ tuổi nhất định sẽ có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp do mắc các bệnh tâm thần (ví dụ như tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,…) nên năng lực này có thể bị hạn chế. Vậy người bị bệnh tâm thần phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015.
II. Nội dung tư vấn
Theo khoản 1 Điều 8 BLHS, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các mối quan hệ được pháp luật bảo vệ. Một trong các yếu tố cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi có năng lực trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự của mỗi người phụ thuộc vào độ tuổi của người đó và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ.
Theo Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Tuy vậy, nếu người nào đó dù trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS 2015 thì có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Điều 21 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, không phải mọi trường hợp có tiền sử bị bệnh tâm thần hay đang bị bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ những người mắc bệnh tâm thần (điều kiện về bệnh lý) đến mức mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình (điều kiện về tâm lý) khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mới được coi là thuộc tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng người này phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo BLHS, tùy theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ kết luận của Hội đồng giám định pháp y, có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Nếu thấy không cần thiết phải đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa, họ sẽ được giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định pháp y, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy có thể thấy kết quả giám định pháp y tâm thần sẽ là yếu tố quan trọng để xác định người bị tâm thần khi phạm tội giết người có bị truy tố trách nhiệm hình sự hay không.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam liên quan đến quy định của pháp luật hình sự hiện hành về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị bệnh tâm thần phạm tội. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Thị Lan Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Làm gì khi bị người khác xúc phạm danh sự, nhân phẩm