LỪA ĐẢO TÂM LINH QUA MẠNG XÃ HỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ?
Thực tế hiện nay cho thấy không khó để tiếp xúc với cái gọi là “dịch vụ tâm linh” thông qua các hành vi bói toán, xem tử vi, bùa chú trên nhiều trang mạng xã hội... Những “dịch vụ” này không chỉ nở rộ mà còn được quảng cáo, mời chào công khai để một số đối tượng lợi dụng nhu cầu tâm linh thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Vậy hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
I. Cơ sở pháp lý
1. Bộ luật hình sự năm 2015
2. Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016
3. Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
II. Nội dung tư vấn
1. Các hình thức lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội
Các hoạt động tâm linh nói chung xuất phát từ nhu cầu tinh thần chính đáng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, thực tế lại xuất hiện các hành vi “buôn bán tâm linh” với nhiều chiêu thức và những thủ đoạn khó lường và trở thành một loại hình “dịch vụ” phổ biến.
Thông qua việc tạo ra các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi,.. với phương thức quảng cáo rầm rộ về đủ mọi “dịch vụ tâm linh” được xem miễn phí như: tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, gọi vong, ngoại cảm tìm mộ, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán,… những kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan, đánh cắp thông tin cá nhân và đặc biệt là lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm,…
Liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 đã quy định rõ hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm (khoản 5 Điều 5). Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Xử lý hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội
Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
* Về xử lý hành chính
Khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”. Theo đó hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính lên đến 5.000.000 đồng.
* Về xử lý hình sự
Hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Ngoài ra, hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 BLHS 2015. Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Bên cạnh đó, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- Làm chết người;
- Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam liên quan đến việc xử lý hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Thị Lan Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà CT 1 - SUDICO Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, đường Vũ Quỳnh, P. Mỹ Đình 1, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Hành vi che giấu tội phạm có bị xử lý hình sự?
Tư vấn về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành
Tư vấn về tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành