LỪA ĐẢO QUA MẠNG BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm xuất hiện. Theo đó, nhiều người dân còn nhẹ dạ, cả tin nên bị các đối tượng phạm tội nắm bắt sơ hở, nắm bắt tâm lý để đưa ra những thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Vậy hành vi lừa đảo qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn để giải đáp thắc mắc trên trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
1. Bộ luật Hình sự năm 2015;
2. Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
II. Nội dung tư vấn
Lừa đảo qua mạng bao nhiêu tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Dưới góc độ pháp lý, lừa đảo qua mạng được xếp vào một trong các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, là những thủ đoạn đưa ra thông tin giả nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Đây là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Do vậy, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nói chung và hành vi lừa đảo qua mạng nói riêng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, nếu lừa đảo qua mạng trên 02 triệu thì chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, lừa đảo dưới 02 triệu vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi:
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;
- Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh;
- Tài sản bị lừa đảo là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Đã bị kết án về một trong các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Tùy vào tính chất, mức độ phạm tội mà người lừa đảo qua mạng có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Lừa đảo qua mạng sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo phân tích trên, lừa đảo qua mạng là một trong những hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Trong đó, mức phạt của hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;”
Như vậy, trường hợp lừa đảo qua mạng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt hành chính đến 02 triệu đồng.
Bạn cần thu thập các bằng chứng có về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: tin nhắn điện thoại, biên lai chuyển tiền,… và trình báo với cơ quan công an cấp huyện để tiến hành điều tra về hành vi trên để cơ quan công an tiến hành giải quyết.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề hành vi lừa đảo qua mạng bị xử lý như thế nào? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hiện nay khỗng cung cấp dịch vụ thu hồi tiền "treo" hoặc tiền bị lừa đảo trên mạng, một số tổ chức cá nhân đã mạo danh Công ty Luật chúng tôi và luật sư chúng tôi để lừa đảo bị hại thêm 1 lần nữa. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo: khi bị lừa đảo qua mạng hoặc nghi ngờ mình bị lừa thì hãy nhanh chân đến đồn công an gần nhất để trình báo.
(Giàng Giang)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htcvn.vn; https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan:
- Tư vấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật hiện hành
- Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản