HÌNH PHẠT CẢNH CÁO THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
Cảnh cáo là loại hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính, không có khả năng đưa lại những hạn chế pháp lý liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích thiết thân về thể chất và tài sản… của người bị kết án. Tuy vậy, với tư cách là khiển trách công khai của Nhà nước đối với người phạm tội, cảnh cáo gây ra cho họ những tổn hại nhất định về mặt tinh thần. Người bị hình phạt cảnh cáo đã phải chịu sự lên án của Nhà nước về hành vi phạm tội của mình.
Điều 34, Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt cảnh cáo như sau:
“Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”.
Như vậy, theo quy định này thì nội dung về hình phạt cảnh cáo trong Bộ Luật Hình sự 2015 vẫn giữ nguyên tinh thần của Bộ Luật Hình sự 1999. So với các hình phạt chính khác, cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất vì nó không tước bỏ hoặc hạn chế bất cứ quyền lợi nào của người bị kết án mà chỉ lên án về tinh thần đối với họ.
Điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đó là:
- Về nội dung: Khi áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người phạm tội, Tòa án phải tuân thủ nội dung trong phần chế tài của Điều luật áp dụng.
- Về điều kiện áp dụng:
+ Thứ nhất, chỉ áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiệm trọng.
Có nghĩa là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Vì hình phạt cảnh cáo là hình phạt nhẹ nhất trong các hình phạt chính nên chỉ áp dụng đối với những hành vi ít nghiêm trọng, ít nguy hiểm cho xã hội.
+ Thứ hai, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Điều này được hiểu là phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ thuộc các trường hợp quy định tại Điều 51 Bộ Luật Hình sự 2015 và họ chưa đủ điều kiện để được miễn hình phạt. Trong thực tế, có hai tình tiết giảm nhẹ thường gặp đó là người phạm tội có nhân thân tốt, là người phạm tội lần đầu và trong suốt thời gian điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội luôn thành khẩn khai báo và có thái độ ăn năn, hối cải,…
Tội phạm được thực hiện chưa đến mức được miễn hình phạt. Người phạm tội tuy có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng vẫn cần răn đe, giáo dục, chưa đến mức hưởng sự khoan hông đặc biệt của pháp luật.
Tòa án không được áp dụng hình phạt cảnh cáo với người phạm tội nếu thiếu một trong các điều kiện này. Khi áp dụng hình phạt cảnh cáo, Tòa án sẽ cân nhức tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Hậu quả pháp lý của hình phạt cảnh cáo
Hình phạt cảnh cáo mặc dù không gây thiệt hại về vật chất và tự do thân thể của người phạm tội. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà hình phạt cảnh cáo không gây thiệt hại đối với người phạm tội. Tác dụng của hình phạt cảnh cáo thể hiện ở chỗ, hình phạt này gây tổn hại về mặt tinh thần đối với người phạm tội thông qua việc khiển trách công khai đối với người phạm tội.
Như vậy, về cơ bản có thể nhận thấy hình phạt cảnh cáo chưa thể hiện rõ bản chất của hình phạt là sự cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước nhằm tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội, mà chỉ gây tổn thất về tinh thần với người bị kết án. Trong dự thảo sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 vừa qua có nhiều quan điểm nên bỏ đi hình phạt này vì những lý do nêu trên. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ là việc giữ lại hình phạt cảnh cáo là điều phù hợp, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự, hơn nữa trong một số trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng việc áp dụng hình phạt cảnh cáo là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền áp dụng một số biện pháp bổ sung như: phạt tiền, trục xuất vv... người phạm tội.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Toà nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com ; https://luatsuchoban.vn