HÀNH VI ĐẶT CAMERA QUAY LÉN TRONG NHÀ NGHỈ BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tuy nhiên thời gian gần đây, liên tục các vụ đặt camera quay lén trong nhà nghỉ bị phát hiện khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Hành vi quay lén trên đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Vậy hành vi đặt camera quay lén trong nhà nghỉ bị xử lý như thế nào theo qui định của pháp luật hiện hành. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp vấn đề trên.
I. Cơ sở pháp lý
1. Bộ luật dân sự năm 2015;
2. Bộ luật hình sự năm 2015;
3. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
II. Nội dung tư vấn
Đời sống riêng tư của cá nhân là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể Điều 38 BLDS năm 2015 qui định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Như vậy, hành vi đặt camera quay lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
- Về xử lý hành chính
Theo qui định tại điểm e và g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi quay lén sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
- Về xử lý hình sự
Căn cứ vào mục đích và hậu quả của hành vi quay lén thì người thực hiện có thể bị xử lý hình sự về việc thực hiện một trong các tội sau:
+ Thứ nhất, tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS)
Việc đặt camera quay lén sau đó phát tán lên mạng, khiến nạn nhân bị xúc phạm nghiêm trọng về nhân phẩm, danh dự thì người thực hiện sẽ bị xử lý về Tội làm nhục người khác theo qui định tại Điều 155 BLHS. Theo đó, người phạm tội có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Thậm chí nếu gây hậu quả nặng hơn, người phạm tội còn có thể bị phạt tù đến 05 năm.
+ Thứ hai, tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS)
Trong trường hợp dùng clip quay lén để uy hiếp, tống tiền người khác, người thực hiện sẽ phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 170 BLHS, việc đặt camera quay lén để uy hiếp, tống tiền người khác có thể bị phạt tù đến 20 năm và phạt tiền đến 100 triệu đồng nếu áp dụng hình phạt bổ sung.
+ Thứ ba, tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS)
Trường hợp đặt camera quay lén và phát tán hình ảnh có nội dung nhạy cảm nhằm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, người thực hiện có thể bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với mức phạt tù lên đến 15 năm hoặc phạt tiền lên đến 100 triệu đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam về trách nhiệm của cá nhân khi thực hiện hành vi đặt camera quay lén. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Thị Lan Anh)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm các bài viết liên quan:
Vô ý gây chết người có phải đi tù không
Người bị tâm thần phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không
Bị tung ảnh nóng lên mạng xã hội theo quy định pháp luật xử lý như thế nào