ĐÁNH CẮP THÔNG TIN ĐỂ VAY TIỀN XỬ LÝ RA SAO?
Nhiều người không vay tiền nhưng bị Công ty tài chính gọi đòi nợ kiểu đe dọa. Nguyên nhân là bởi những nạn nhân này đã bị kẻ gian "ăn cắp" thông tin cá nhân rồi đăng ký để vay tiền qua ứng dụng. Vậy, khi thông tin của cá nhân bị lấy cắp để vay tiền, pháp luật đã có chế tài xử phạt như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại? Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn để giải đáp thắc mắc trên trong bài viết sau.
I. Cơ sở pháp lý
1. Bộ luật Dân sự 2015.
2. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
3. Thông tư 28/2020 ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng công an nhân dân.
4. Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
II. Nội dung tư vấn
Thông tin của mình bị lấy cắp đi vay vợ, liệu có phải trả nợ không?
Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa hợp đồng vay tài sản như sau: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, chỉ hình thành quan hệ vay tiền khi có sự thỏa thuận giữa các bên - bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).
Đồng thời, khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Như vậy, theo quy định này, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.
Phải làm gì khi không vay tiền mà bị đòi nợ?
Trường hợp người bị lấy cắp thông tin không vay thì không có nghĩa vụ trả nợ nên khi bị đòi nợ dù không vay tiền thì người này có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất…
Đồng thời, có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020 của Bộ Công an và Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để cơ quan này tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin:
- Công an xã, phường, thị trấn: Có nhiệm vụ phân loại, xử lý tin báo về tội phạm;
- Công an điều tra cấp huyện: Có nhiệm vụ điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện;
- Công an điều tra cấp tỉnh: Có nhiệm vụ điều tra những tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, có yếu tố nước ngoài…
Ngoài ra, để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ, mỗi người cần phải hết sức cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào của mình cho người lạ.
Riêng trường hợp giấy tờ nhân thân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc làm rơi, mất giấy tờ nhân thân của mình.
Lấy cắp thông tin của người khác đi vay tiền bị phạt thế nào?
Thông tin cá nhân có thể coi là bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của cá nhân và là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự. Việc sử dụng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.
Do đó, hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác để vay tiền là hành vi vi phạm pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, người lấy cắp thông tin người khác để vay tiền có thể bị xử lý như sau:
- Xử phạt hành chính:
Cụ thể, hành vi sử dụng trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng theo điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, mới đây, Bộ Công an cũng đang dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, khoản 2 Điều 2 dự thảo nêu rõ, dữ liệu cá nhân gồm dữ liệu cơ bản và nhạy cảm, dùng để xác định một cá nhân cụ thể. Trong đó, số điện thoại, địa chỉ liên hệ, địa chỉ email, nơi ở, số CMND/CCCD, số hộ chiếu... là dữ liệu cá nhân cơ bản.
Đặc biệt, dự thảo đề xuất nếu vi phạm quy định về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu với dữ liệu cá nhân thì có thể phạt tiền từ 50 - 80 triệu đồng; nếu vi phạm lần 02 thì có thể bị phạt từ 80 - 100 triệu đồng.
- Bồi thường thiệt hại:
Nếu hành vi lấy thông tin của người khác khi không được phép và dùng để vay tiền gây thiệt hại cho người bị lấy cắp thông tin thì người vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại bởi khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Đồng thời, khoản 1 Điều 585 Bộ luật này cũng quy định:
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Do đó, nếu hành vi lấy thông tin cá nhân để vay tiền gây thiệt hại cho người bị lấy thông tin thì tùy vào mức độ thiệt hại xảy ra, người này có thể yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Mức bồi thường, phương thức bồi thường… do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi tư vấn về vấn đề đánh cắp thông tin để vay tiền xử lý ra sao Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Giàng Giang)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
Xem thêm bài viết liên quan:
- Xử lý tài sản thế chấp khi vay tiền không trả được