THỦ TỤC CẤP MÃ SỐ KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT HÀNG HÓA
THỦ TỤC CẤP MÃ SỐ KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT HÀNG HÓA
Kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ không còn là hình thức kinh doanh xa lạ mà đã trở lên rất phổ biến và là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu hiện nay. Nhiều doanh nghiệp còn có xu hướng vận dụng hình thức tạm nhập tái xuất làm chủ đạo trong kinh doanh do những lợi ích mà hình thức này mang lại. Để được kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng của doanh nghiệp thì cần phải tiến hành thủ tục cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Vậy thủ tục cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa được thực hiện như thế nào?
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
II. Nội dung tư vấn
1. Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam
* Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP gồm:
(1) Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VII
(2) Danh mục hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VIII
(3) Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện quy định tại Phụ lục IX
* Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất được quy định tại Điều 26 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương do Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung như sau:
- Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là Mã số riêng đối với từng nhóm hàng hóa. Doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng hóa nào thì được kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng thuộc phạm vi của nhóm hàng hóa đó.
- Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Đối với kho, bãi đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh và để được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp không được cho doanh nghiệp khác thuê lại để sử dụng vào mục đích xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.
- Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc thì chỉ doanh nghiệp có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của nhóm hàng hóa đó mới được đứng tên trên tờ khai nhập kho ngoại quan và tờ khai xuất kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất. Hàng hóa gửi tại kho ngoại quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
- Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định 69/2018/NĐ/CP, trong đó doanh nghiệp không thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc không thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện và không phải có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Trong trường hợp cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định về cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu biên giới không thuộc phía Bắc.
2. Điều kiện được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Thương nhân Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện và được cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi đáp ứng các điều kiện sau:
2.1 Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh
Theo Điều 23 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Phụ lục VII Nghị định 69/2018/NĐ-CP này phải đáp ứng các điều kiện sau:
-Có số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi theo quy định.
-Có kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh, cụ thể:
a) Kho, bãi có sức chứa tối thiểu là 100 công-ten-nơ lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m2. Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, được xây dựng với chiều cao tối thiểu là 2,5 m; có đường dành cho xe chở công-ten-nơ di chuyển ra vào kho, bãi; có cổng ra vào và biển hiệu của doanh nghiệp sử dụng kho, bãi.
b) Kho, bãi có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa của kho, bãi.
c) Kho, bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê; phải nằm trong khu vực quy hoạch hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc trong khu vực do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quy định sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương
2.2. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và hàng hóa đã qua sử dụng
Điều 24 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Phụ lục VIII Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Điều 25 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Phụ lục IX Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”
Như vậy doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với loại hàng đối có thuế tiêu thụ đặc biệt, và hàng hóa đã qua sử dụng phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp.
3. Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Hồ sơ, quy trình cấp mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất được quy định tại Điều 27 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP theo đó doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau:
Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất: 1 bản chính.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.
- Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận về việc doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ: 1 bản chính.
- Tài liệu chứng minh doanh nghiệp sở hữu kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.
- Văn bản của cơ quan điện lực nơi doanh nghiệp có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 1 bản chính.
Trường hợp doanh nghiệp xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng hóa đã qua sử dụng thì không phải nộp các giấy tờ chứng minh có kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có kho, bãi kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra điều kiện kho, bãi, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh cho doanh nghiệp.
Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.
Trường hợp không cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp phải xác minh các tài liệu, giấy tờ liên quan trong hồ sơ đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp thời gian xử lý hồ sơ tính từ thời điểm Bộ Công Thương nhận được văn bản trả lời của các cơ quan liên quan đối với việc xác minh.
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.
(Nguyễn Hoa)
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]
Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn
---------------------------------------------
Xem thêm bài viết có liên quan:
Thủ tục đăng ký mã số, mã vạch
Tư vấn ngành nghề kinh doanh có điều kiện